Trang chủ

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

A Simple Life (Dì Đào): Đưa con người về với giá trị gốc

Thùy Linh

Một cái tít không ấn tượng, một bộ phim cũng không mấy ấn tượng – chí ít là theo cách cả cũ lẫn mới của điện ảnh Hong Kong – nhưng lại đoạt giải Kim Tượng. Với bộ phim này, không chỉ Lưu Đức Hoa mà cả điện ảnh Hong Kong đều lột xác.


Điện ảnh Hong Kong trong hàng thập niên trở lại đây luôn loanh quanh nhưng đầy thành công trong cái bế tắc về đề tài phim Xã Hội Đen hoặc phim Kiếm Hiệp. Hong Kong được trao trả lại Trung Quốc kéo theo việc ngay cả những phim về đề tài Xã Hội Đen cũng phải chạy theo định hướng của chính quyền mới. Kết cục của việc này là chỉ còn những bộ phim về hình cảnh. Những đề tài về Chủ nghĩa Anh hùng Cá nhân dường như bắt đầu trở nên vắng bóng. Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận một nguyên nhân khiến cho điện ảnh Hong Kong có xu hướng thoái trào là sự lão hoá của những ngôi sao như Trương Học Hữu, Quách Phú Thành, Lưu Đức Hoa v.v.. Những bộ phim sản xuất không còn được nhiều như trước, lúc này chất lượng phải bù số lượng. Người xem cũng chuyển sang những lựa chọn mới.

Cách đây một vài năm khi xem Kiến Long Tá Giáp (Xem Rồng Cởi Giáp) của Lưu Đức Hoa, hẳn không ít người cuối cùng đã ngậm ngùi chấp nhận rằng Lưu Đức Hoa và điện ảnh Hong Kong giống như nhân vật trong phim cuối cùng đã già. Tìm được một đề tài mới, một xu hướng làm phim mới là không dễ - đặc biệt khi xu hướng này bị bó buộc bởi sự kiểm duyệt. Tuy nhiên, Dì Đào hay A Simple Life đã làm cho người xem thấy được tài năng của một người đàn ông “đa diện” Lưu Đức Hoa – người từng thành công với Đinh Lực nhân, nghĩa, lễ, trí, tín trong Bến Thượng Hải, với Triệu Tử Long trung quân, ái quốc trong Kiến Long Tá Giáp, với ông trùm trong Môn đồ, với Lưu Kiến Minh nham hiểm trong Vô Gián Đạo.  

Simple Life trái ngược hoàn toàn với những gì vẫn được xem là công thức chung cho sự thành công của một bộ phim của Hong Kong: không cháy nổ, không khói lửa, không lừa lọc, không nằm vùng, không hài hước. Bộ phim cũng không nhiều diễn viên. Nói theo một cách nào đó thì Simple Life là một bộ phim 08 giờ sáng quay, 06 giờ chiều đóng máy. Phim cũng chỉ có 02 nhân vật chính, và chỉ xoay quanh có 02 nhân vật chính. Những cảnh quay thì cũng chỉ loanh quanh trong một vài căn chung cư, bệnh viện và khu dưỡng lão. Thậm chí ngay cả khu dưỡng lão cũng ở trong khu chung cư. Tóm lại, nếu không có cảnh bệnh viện, bộ phim có thể hoàn toàn thực hiện trong một khu chung cư.


Có thể nói, nội dung phim khá đơn giản. Một anh thiếu gia độc thân không chịu lấy vợ của một gia đình đã qua cái thời hoàng kim khi mà người ăn kẻ ở đầy nhà sống chung với một người giúp việc lâu năm. Anh đi làm, người giúp việc nấu ăn. Hai người theo một cách nào đó nương tựa vào nhau để sống giữa cái Hong Kong của Lan Quế Phường. Rồi người giúp việc – chị/gì Đào (tên gốc là Đào Thư) – trúng gió, yếu dần và phải đi viện dưỡng lão. Anh thiếu gia – tên trong phim là Roger – chăm sóc, vậy là hết chuyện. Sẽ chẳng có gì để nói, chẳng thể thành phim. Nhưng cái thành công lại nằm chính ở chuyện vô lý, đơn giản và nhàm chán đó.

Một bộ phim với đề tài như vậy thành một bộ phim đoạt giải Kim Tượng đương nhiên phải có sức hút. Sức hút đầu tiên và trên tất cả ở đây là diễn xuất của Lưu Đức Hoa chứ không phải chỉ cái tên của anh. Ai đã từng xem Lưu Đức Hoa diễn trong Môn Đồ, trong Kiến Long Tá Giáp, hay trong Vô Gián Đạo sẽ đều hiểu rằng rất rất hiếm khi có một cử chỉ thừa trên khuôn mặt của anh. Diễn xuất của Diệp Đức Nhàn cũng không hề thua kém khi vào vai xuất sắc một người giúp việc làm việc cho một gia đình 60 năm. Những diễn xuất của bà khiến chúng ta nhớ tới Mẹ.

Dù không theo các công thức chung như cháy nổ, ma quái, nằm vùng nhưng A Simple Life lại giống với các bộ phim thành công của Hong Kong ở điểm đặc biệt chú ý tới chi tiết. Nếu chỉ xem phim và không chú ý tới lời thoại, tôi tin rằng người xem sẽ đánh mất 70% giá trị. Đó là những đoạn thoại của một thiếu gia và một người ở. Nhưng những đoạn thoại đó dần dần chuyển thành một người con trai với một người mẹ. Từ những scene đầu, người xem sẽ thấy Roger trong vai một kẻ ích kỷ. Đoạn thoại của 02 người giống như của 02 kẻ chẳng liên quan. Roger cứ làm việc của Roger, ăn nói chỏng lỏn. Dì Đào cũng làm việc của Dì Đào và cũng nói chuyện theo kiểu chẳng cần quan tâm. Khi đổ bệnh, Dì Đào cũng chỉ nói: “Muốn vào nhà dưỡng lão.” Roger hỏi lại: “Nhưng chi phí rất mắc.” Dì Đào trả lời: “Tôi tự có tiền.”

Nhưng dần dần, Roger lại trở thành một đứa con ngoan. Anh chăm sóc và làm tận tuỵ công việc của một đứa con trai với người Mẹ của mình. Những biến chuyển của lời thoại, của thái độ của Roger ngày càng ân cần nhưng Dì Đào ngày một già đi. Nếu xem phim, người ta dễ dàng hình dung ra cảnh trong tác phẩm Chiếc Lá Cuối Cùng. Tính chi tiết của bộ phim còn được thể hiện bằng những scene khá đời thường nhưng thật tinh tế. Dì Đào đi tuyển người giúp việc khác thay mình chăm sóc Roger nhưng đòi hỏi họ phải biết làm cá, và phải làm cá biển, phải biết nấu canh cho Roger uống mỗi khi đi làm về. Những người được Dì Đào phỏng vấn phải thốt lên: “Bà nghĩ bà đang tuyển con dâu chắc?” Hay đó là những scene Roger chơi đùa với lũ bạn, ăn một món cũ do Dì Đào chuẩn bị trước khi vào nhà dưỡng lão và chợt nhớ tới bà. Hôm sau anh tới và đưa Dì đi thăm cảnh vật bên ngoài.

Nói chung, Dì Đào là một phim khá khó xem nhưng sẽ là dễ xem với những người thích những gì sâu sắc. Nếu bạn từng thích Elizabeth Town hoặc những phim tương tự, bạn sẽ thích Dì Đào.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét