Trang chủ

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

NGƯỜI CHA BUÔN HÀNG CHUYÊN

người cha buôn hàng chuyến- một truyện ngắn trích từ tập truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến XB năm 2013. Tôi đã mua nó trong một buổi chiều cuối đông năm ngoái, sau một vài lần lưỡng lự. Tôi mua, phần vì do bạn bè giới thiệu, phần vì tôi cũng có người cha rất vĩ đại. Đọc xong lần thứ hai truyện này, cảm giác trong lòng như bị ai bóp chặt đến nghẹt thở, đầy ám ảnh, xót xa và cảm phục. Cảm giác lặng đi bên trang sách, thấy buồn nhưng vô cùng trống rỗng, rồi nước mắt tuôn rơi. Y như lần đầu tiên đọc " Cánh đồng bất tận" Nguyễn Ngọc Tư. " À ơi hoa cải về trời rau răm ở lại chịu nhiều đắng cay". hai bàn tay trắng chính là tài sản lớn nhất người cha ấy để lại, ông ra đi sau một cơn say thanh thản, bình yên và không hề vướng bận. "Dẫu không bằng ai, tôi vẫn có nhiều thứ nhưng có một thứ tôi hiểu mình hèn kém chẳng bao giờ có được như cha. Ấy là sự dám sống theo cách của mình và chẳng thèm phiền lụy, sợ sệt ai. Tự nhiên tôi thấy thèm muốn và ước ao được chết trong một cơn say như cha tôi."
NNT hình như viết câu chuyện dành để " thanh minh" cho những người cha sống ở trên đời. Cuộc đời vẫn buồn và bất lực biết bao nhiêu
NGƯỜI CHA BUÔN HÀNG CHUYẾN- Nguyễn Ngọc Tiến

Mai là sinh nhật tôi. Ngồi, định viết cái truyện ngắn. Có nhiều chuyện để viết nhưng tự nhiên tôi nghĩ đến cha. Cha tôi có lẽ là một số phận kỳ là nhất trong tất cả những người ở cuộc đời này tôi đã gặp.  Ông mất năm 1995, đã được 17 năm. Cha tôi sinh năm 1920, trong tờ khai sinh của tôi ông đề ở mục nghề nghiệp là buôn hàng chuyến. Rất nhiều năm sau này tôi thực sự không biết nghề của ông vào những tháng năm tuổi trẻ là nghề gì. Chưa bao giờ ông nói một tiếng về những ngày ấy. Họ hàng bảo ông học trường Bưởi rồi theo cách mạng, làm ngành công an sau bỏ tất tần tật về làm người tự do. Còn mẹ tôi bảo nghề của bố mày là uống rượu. Rượu và dong chơi hiểu không, cả đời tao khốn khổ khốn nạn vì bố mày.
Tôi không mấy quan trọng những chuyện đó. Khi tôi mới sinh ra năm 1956 nghe nói nhà tôi vẫn ở diện khá giả có nhà mặt phố, có vườn tược ruộng dất ở quê, tôi có vú em bế ẵm hàng ngày. Nhưng khi lớn len bắt đầu biết nhận thức thì tôi chưa chưa chứng kiến được ai trong số những người quen biết lại ở vào hoàn cảnh oái oăm như nhà tôi. Một căn nhà lá ở ngoài bờ sông. Và bố tôi làm một nghề bần cùng có thể nói độc nhất vô nhị ở thành phố. Nghề đánh xe bò kéo. Ký ức tuổi thơ tôi với cha không phải ở cái nghề oái oăm kia mà là những cuộc rượu triền miên của  ông với bạn bè. Nếu ngắt ra hơn bốn năm sơ tán ở quê ngoại thì phần còn lại của thời gian đến khi tôi đi bộ đội ký ức của tôi chính là những cuộc rượu đó. Bạn bè ông đa phần đều cùng trang lứa, trong đó có người em ruột sau này là Tổng biên tập một tờ báo. Những người kia đều có chức phận hẳn hoi. Tôi biết vài người trong số đó làm lớn. Họ có cách ăn mặc giống nhau. Hè là sooc ka ki vàng, áo trắng cộc tay. Đông là complet nghiêm chỉnh. Có điều lạ là trong câu chuyện rượu, họ nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ pha trộng giữa tiếng Pháp và tiếng Việt. Đa phần là những tranh luận nảy lửa về thời cuộc, kế đó là những bàn luận văn chương không kém phần rôm rả. Tôi biết uống rượu sớm là nhờ những cuộc rượu này.
Tôi là con bà hai. Cha tôi có với người vợ cả ba chị con gái. Mẹ tôi chồng chết, có một chị con gái gửi ở quê cho bà ngoại tôi nuôi. Mẹ tôi đi buôn chuyến ở thành phố. Trong kháng chiến nhờ những chuyến hàng chuyển vào vùng tự do mà gặp cha tôi. Hai người cặp kè với nhau nhiều năm đến khi hòa bình lập lại thì chính thức ở với nhau và sinh ra tôi cùng hai em trai cách tôi vài tuổi. Tổng cộng cha tôi có sáu người con, nếp tẻ bằng nhau. Thường thì cha tôi thường trực ở với mẹ tôi những thi thoảng vẫn tua về với với vợ cả cho đến năm 1973 ông bị tai biến não thì những chuyến tua chấm dứt hẳn. Ký ức tôi chỉ lờ mờ nhớ đến cha bằng hình ảnh ở chỗ nào ông cũng kè kè tập báo, tạp chí và những quyển sách dày cộp tiếng nước ngoài. Và rõ nhất là những lần cha tôi say rượu. Rõ nhất là vì hầu như ngày nào ông cũng say. Nghề xe bò kéo tuy bần cùng những lại kiếm ra tiền. Ông thuê một người làm rẽ chia tiền mỗi ngày và thi thoảng có ngồi càng xe trực tiếp. Những lần như thế ông hay tha tôi đi cùng, cho tôi ăn những món ngon nhớ đến tận bây giờ. Những quán ăn, quán café sau này tôi biết đều là sản phẩm những ngày cha tôi đãi đằng. Cha tôi chỉ cho tôi khám phá thế giới theo cách của mình. Tuyệt nhiên không bao giờ ông dạy bảo tôi phải như thế này phải như thế nọ. Ông chỉ ép tôi đọc sách. Thượng vàng hạ cám có cuốn gì là ông nhồi nhét cho tôi. Thói quen này đến bây giờ tôi cũng truyền lại cho con cái. Trên dưới mười tuổi tôi đã nghiền gần hét văn học sử ta, tàu và những cuốn tiểu thuyết phương tây cổ điển. Cả những cuốn sách cấm của dòng Tự lực văn đoàn. Dĩ nhiên thằng choai choai mới mười một, mười hai là tôi bấy giờ đã biết mơ màng đến những mối tình trai gái trong các cuốn sách thời đấy. Có lẽ đây là vốn liếng cha cho tôi để trở thành nhà văn sau này.
Nói về say. Cha tôi buổi chiều ngồi uống rất nhiều. Có bạn hay không có bạn cũng vậy. Dạo còn bé tí tôi luôn thắc mắc cha tôi tại sao cứ rượu say khướt lại ra cửa nhà chửi và sau đó xuống dồn công an ngủ. Sau thì biết những lần say bết bát ông chửi không thiếu thứ gì từ đoàn thể đến những yếu nhân. Và công an đến nhà bắt ông xuống đồn sáng hôm sau mới thả. Chuyện này lặp đi lặp lại đến mức tôiq uen thân với cả ông chú công an hộ tịch được giao nhiệm vụ dong ông đi ở những lần như thế. Tôi còn nhớ chú tên là Điển. Có lần khi cha tôi còn chưa kịp uống thì chú Điển đã đến nhà. Cha tôi bảo đến sớm thế, hôm nay tôi trực sẵn ở đây để đưa anh đi cho tiện. Rồi chính chú hộ khẩu đó ngồi uống cùng với cha tôi. Tàn bữa hai người lại dắt nhau xuống đồn. Lần ấy tôi nhớ cha tôi còn chưa kịp chửi câu nào. Hóa ra chú Điển say hơn dẫn cha tôi theo phản xạ có thường ngày. Về chuyện này mẹ tôi bảo cũng là bắt bớ nhưng bố mày xuống đồn ngủ tỉnh rượu thì về. Cái đám bắt toàn quen bố mày ngày trước. Hóa ra cha tôi bất mãn gì đó nên cứ say là chửi tuốt. Người ta không nỡ xử nặng. Tội ấy kể cả bây giờ cũng rũ tù. Điểm này tôi thua ông đứt đuôi con nòng nọc. Cấm có bao giờ dám mở miệng trước những điều ngang trái.
Tôi đi bộ đội đến năm 1976 thì xuất ngũ. Bấy giờ cha tôi đã bị tai biến liệt nửa người được mấy năm. Cảnh nhà lúc ấy thê thảm vô cùng. Vẫn căn nhà lá dạo trước. Cha thì ốm. Mẹ tôi chạy chợ chỉ đủ chi tiêu. Tôi thuộc diện chính sách được đi nước ngoài lao động nhưng nhìn cảnh nhà như thế không đành dứt áo ra đi. Tai biến nhưng cha tôi là người giỏi võ , ông luyện tập hàng ngày nên vẫn đi lại được chỉ tập tễnh và phát âm ngọng. Tôi ngừng moi dự định, lao vào nuôi thân trước mắt để tính kế lâu dài. Cha tôi giờ không còn kiêu dũng như xưa nữa, trí óc không bằng trước nên ông bỏ thói quen đọc và có vẻ như ông cũng không còn đủ sức để uống rượu say chửi đổng nữa. Ông có vẻ xa xót cho hoàn cảnh lập thân của tôi bấy giờ. Nhớ trước khi tôi đi bộ đội, ông bắt tôi xòe ngửa hai bàn tay ra rồi bảo:
-          Đời cha lận đận không có của cải gì. Có thể con sẽ oán trách cha nhưng con phải hiểu rằng, hai bàn tay trắng này, đó mới là thứ tài sản lớn nhất. Cha chỉ có thể cho con được điều đó.
Lúc ấy tôi đã không hiểu và có trách móc cha tôi thật. Làm sao được khi tôi còn quá trẻ. Cuộc sống quân ngũ dạy cho tôi nhiều điều và khi trở về vào những lúc tuyệt vọng nhất tôi lại ngửa bàn tay mình. Trắng trơn. Và tôi ngẫm nghĩ. Phải tự mình vươn lên thôi. Tôi làm đủ nghề, vừa đi làm vừa đi học. Cho đến một ngày tôi xây được ngôi nhà trên nền đất cũ rồi lấy vợ trở thành nhà văn. Trong suốt thời gian này, cha tôi tuy tàn phế nhưng ông không chấp nhận số phận. Cứ sáng ra ông đi đến nhà bưu điện thành phố xếp hàng mua báo. Ngày đó báo có rất ít tờ như bây giờ. Ông xếp hàng nhiều lần và mang tập báo đi bán rong. Tôi đã ứa nước mắt nhìn theo ông tập tễnh trên hè phố bán từng tờ báo kiếm ít tiền lời. Bảo ông thì ông cười cha tự kiếm ăn được, đừng lo, không nhục nhã cái nghề này đâu. Không có nghề nào nhục con ạ. Chỉ hèn mới nhục. Tiền kiếm được từ việc lao động này ông cũng chỉ dùng vào việc uống rượu. Nhiều lần thằng trai lừng lững như tôi, cả ông chú tổng biên tập cũng phải uống trạc cha tôi cút rượu từ những đồng bạc của những bước đi tập tễnh. Không ít lần tôi nhòa mắt bất lực nhìn cha tôi sau mỗi chuyến đi về móc ra từ túi những đồng bạc lẻ vuốt thẳng và xếp chúng lại. Ngày đó là quãng thời gian khốn khó vô cùng, tôi làm cật lực cũng chỉ đủ nuôi thân. Cứ như vây, cha tôi khó nhọc và hồn nhiên sống.Đâu như vài ba lần tai biến nữa thì ông liệt hẳn. Năm 1995 cha tôi không gượng dậy nổi. Lúc đo ông 75 tuổi. Những ngày cuối đời ông nằm một chỗ, ăn uống không vào, cứ thế cơ thể đùn ra mọi thứ. Được một tuần thì cha tôi chỉ còn bộ gọng tươi. Những ngày này đột nhiên ông nói như người thường không còn ngọng nghịu. Rành rẽ mọi điều. Bình luận người này người khác trong nhà rất chính xác, nói nhiều điều về quá khứ. Ông bảo tôi đưa cuốn tiểu thuyết mới in cho ông. Cha tôi lật xem rất kỹ cái bìa có đề tên tôi rồi gật đầu. Tôi biết ông hài lòng. Dạo in cuốn tiểu thuyết đầu tay mấy năm trước, lúc tôi đưa cho ông xem cha tôi đã bật khóc.
Lại nói lúc cha tôi cầm cuốn tiểu thuyết, ông bảo tôi vậy là cha yên tâm. Con hãy nhìn cuộc đời cha mà tránh mọi sai lầm. Giờ thì tôi biết ông từng có một thời oanh liệt nhưng chỉ vì cú lấy vợ hai cộng thêm những rắc rối thời cuộc xảy đến với gia đình dạo cải cách nên ông đã rũ áo rời bỏ tất cả ra bờ sông dựng nhà, làm cái nghề chẳng giống ai kia. Hôm cha tôi ra đi, tôi có buổi họp ở báo Văn nghệ nên về quá trưa, thấy mắt cha tôi sáng rực. Ông bảo với tôi, lúc này tự nhiên ông thay đổi xưng hô, tôi hỏng mất rồi anh Tiến ạ. Tôi nói thôi cha ơi, số phận là như thế không thể cưỡng. Ông bảo đúng, tôi coi như xong, anh nhớ cho tôi về quê nằm, đừng đưa tôi đi Hoàn Vũ. Tôi hỏi tiếp cha có điều gì hận cuộc đời này không? Là lúc đó tôi nghĩ đến những cơn say triền mien của ông dạo còn nhỏ.  Cha tôi nói không. Không hạn gì cả. Vậy cha có tiếc gì không? Ông nghĩ một lát rồi bảo, không, không hề tiếc.  Vậy bây giờ cha còn thèm gì nữa không? Ông gật đầu rồi nói rành rọt. Cho tôi ngồi dậy. Tôi gọi em trai giúp sức dựa ông ngồi dựa vào tường. Ông nói như ra lệnh. Rót cho tôi chén rượu! Tôi tròn mắt vì lâu nay không không còn đủ sức uống. Hai an hem tôi nhìn nhau như hội ý rồi tôi đi rót một chén tống. là cái chén kiểu quả hồng ngày trước. Cha tôi nhẩn nha từng ngụm nhỏ đầy tận hưởng. Mãi rồi cũng hết chén rượu. Châm cho tôi điếu thuốc. Tôi lật bật châm giữ cho cha hút hết điếu thuốc ba số.  Vuốt tóc cho tôi! Tôi và cậu em làm theo như một cái máy. Ông bảo tôi say mất rồi, rượu nặng quá, thuốc cũng thế nhưng thích. Vuốt tóc xong cha tôi không nói thêm câu nào nữa, đầu gật xuống vì say chỉ ra hiệu cho nằm. Ông nhắm mắt thiếp đi ngay. Tôi cũng nằm ở cái võng kế bên. Đang ngủ chợt tôi thấy một làn khói bốc lên bay vụt ra ngoài cửa. tôi choàng tỉnh liếc sang. Cha tôi đang ngáp ngáp. Tôi vội chụp tay vào mặt ông để vuốt mắt. Cha tôi đã đi trong một cơn say. Ông đã sống một cuộc đời chẳng giống ai đầy khốn khó. Nhưng tôi biết ông ra đi không hề vướng bận.
Mai là sinh nhật 57 tuổi của tôi. Tôi đang dần trở thành một ông già. Viết đến dòng này tôi xòe hai bàn tay mình ra. Ngửa hai bàn tay trắng. Phải đến tận lúc này tôi mới biết những gì cha cho tôi lớn biết chừng nào. Dẫu không bằng ai, tôi vẫn có nhiều thứ nhưng có một thứ tôi hiểu mình hèn kém chẳng bao giờ có được như cha. Ấy là sự dám sống theo cách của mình và chẳng thèm phiền lụy, sợ sệt ai. Tự nhiên tôi thấy thèm muốn và ước ao được chết trong một cơn say như cha tôi.
                                                                                                                            Hà Nội, 1/7/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét