Trang chủ

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

“KHU VƯỜN BÍ MẬT- BỐN ĐIỀU BÍ MẬT ẨN CHỨA TRONG MỘT TÁC PHẨM”



                                                                                                                        THÙY LINH

Khu vườn bí mật (The secret garden)  là một tác phẩm kinh điển dành cho thiếu nhi của nền văn học Anh, xuất bản cách đây hơn một thế kỷ. “Một pha trộn của sức mạnh, vẻ đẹp, mối quan tâm sinh động và lòng tốt chân thành. Cuốn sách này chính là một điều thần kỳ.” 
Cuốn sách giống như câu trả lời về mọi điều đã quên lãng của người lớn, khi bỗng nhớ đến sự bí ẩn trong tuổi thơ của mình; nó chính là một khu vườn tươi mát, sẽ đâm chồi nảy lộc trong tâm hồn non nớt của những đứa trẻ. Gập trang sách lại bỗng thấy tâm hồn mình cũng đầy rẫy những dây thường xuân che khuất.
Tôi vô tình nhìn thấy một cuốn sách với cái bìa màu vàng cổ điển, phác họa một cánh cửa với vài cành cây chẳng lấy làm nổi bật; nhưng nó mang cái tên ấn tượng “ Khu vườn bí mật”. Tôi tò mò và mở vài trang đầu. Như một phép màu, tôi ngồi hẳn xuống ghế và đọc cho hết bốn chương mới đứng lên thanh toán tiền. Có một sức mạnh vô hình nào đó của con chữ khiến ta cứ muốn lật mở từng chương. Và khi gập lại, thế giới tuổi thơ ta từng trải qua, hiện ra trước khung cửa sổ trong phòng ngủ, với ánh nắng và những đám mây xốp hồng bầu trời mùa xuân; ta ám ảnh và chập chờn mơ tưởng. Hóa ra trong tâm hồn mỗi người, ai cũng có một khu vườn bí mật như thế.

Lời mở đầu cuốn sách gợi nhắc tôi đến “ Hoàng tử bé”- cái tên quen thuộc với trẻ em toàn thế giới. " Những người lớn, chẳng bao giờ tự họ hiểu được cái gì cả, và thật là mệt cho trẻ con lúc nào cũng phải giải thích cho họ. " (trích Hoàng tử bé, 1931). Trong thế giới của trẻ con, có lẽ người lớn thật sự phức tạp.
Truyện bắt đầu bằng nhân vật chính là cô bé với cái tên dễ thương Mary, nhưng tính cách lại vô cùng cục cằn, thô lỗ và xấu xí. Lớn lên trong sự giàu có, nhưng Mary chưa bao giờ có tình yêu thương của cha mẹ.
Cho đến khi dịch tả bùng phát, cô trở thành trẻ mồ côi được gửi đến sống trong  lâu đài ở vùng Yorkshire nước Anh lạnh lẽo, nơi ở của ông bác Craven. Tại cánh đồng tưởng chừng hoang vắng này, cuộc sống của Mary đã thay đổi hoàn toàn.
Một trong  những lần đi dạo quanh vườn, cô bé gặp một con chim có cái ức đỏ và vô tình khám phá ra khu vườn bị khóa trái suốt 10 năm qua. Cùng với Dixon, cậu bé dễ mến có đôi mắt xanh trong, thường nói chuyện với động vật bằng ngôn ngữ của chúng, cũng như am hiểu rất rộng về thiên nhiên, Mary đã hồi sinh lại nơi ấy bằng những giống hoa lưu ly, thạch thảo; bằng tình yêu của một đứa trẻ chưa bao giờ làm vườn. Chúng làm với niềm hăng say kì lạ dành cho những hạt mầm đang vùi sâu trong đất, với niềm hy vọng vào những dây hoa hồng héo quắt và cảm tưởng cả khu vườn sẽ thơm ngát hương hoa vào mùa xuân. Cũng bằng một lần tình cờ khác, Mary phát hiện ra cậu chủ Colin – con trai của bác Craven– người từ bé đã ốm yếu luôn gào khóc nghĩ mình sắp chết. Từ những câu chuyện kể của Mary về khu vườn, đến những lần cùng Mary và Dixon chơi đùa, chăm sóc khu vườn bí mật ấy, Colin chợt phát hiện ra “Phép màu” khiến cho mình có thể trở nên khỏe mạnh và tự đi lại được trên đôi chân của bản thân không cần nhờ đến người khác.
“Cậu có muốn cùng mình bước vào khu vườn bí mật ấy không? Cậu sẽ tin vào những Phép màu…mình hứa đấy!”
Tôi cho rằng, những điều làm nên sức hút của câu chuyện là Phép màu. Những đứa trẻ có niềm tin tuyệt đối vào chúng. Phép màu bằng cách nào đó đã để Martha làm người phục vụ Mary và mang Dickon đến với cô bé. Colin tin rằng Phép màu đã làm cho Dickon biết nói chuyện với các con vật và lắng nghe chúng trả lời. Phép màu đã làm Colin có thể đứng thẳng trên đôi chân,bước đi vững trãi như một người anh hùng. Cậu bé đã tin mình có thể sống mãi mãi. Phép màu đã đưa Colin đến với khu vườn- nơi mẹ cậu từng cẩn thận chăm bón- và rồi cậu hồi sinh một cách kỳ diệu. Phép màu đã làm ông Ben làm vườn cục cằn, xấu tính, hay cáu bẳn trở nên tuận lệnh và hiền hòa biết bao nhiêu.
Trong cuốn sách này, dường như có sự hiện thân của bốn khu vườn bí mật. Khu vườn thứ nhất là nơi bị bỏ hoang 10 năm, nhưng kỳ lạ, những củ hoa thủy tiên, dây hoa hồng vẫn chưa chết hẳn. Bí mật hé mở khi bác Ben làm vườn thấy bọn trẻ bên trong. Ông chính là người âm thầm trèo vào chăm sóc khu vườn cho đến khi bị thấp khớp hai năm qua.
Khu vườn bí mật thứ hai và thứ ba, chính là tâm hồn và cơ thể dồi dào của Mary và Colin. Cả hai đã từng là những đứa trẻ gầy gò, đen nhẻm hoặc trắng bệch, với tính cách vô cùng khó ưa. Nhờ có tình yêu thiên nhiên, hay chính vẻ đẹp bình dị của thiên nhiên đã gắn kết chúng với nhau, làm hồi sinh khu vườn cũng như hồi sinh chính tâm hồn của chúng. Đọc đến đây, tôi cảm giác như mình cũng muốn lao ra khỏi nhà, mua cuốc, mai và vài hạt hoa thạch thảo gieo vào đất. Tình yêu thiên nhiên và cái đẹp của tôi cũng thức tỉnh khi thấy sự ương ngạch và bất chấp của Mary với khu vườn này.
Còn một khu vườn quan trọng hơn nữa, nếu bạn đã đọc đến những chương cuối cùng, đó là tâm hồn khóa trái cửa,chịu nhiều đau đớn của ông bác Craven- bố cậu bé Colin. Với nỗi đau mất đi người vợ yêu quý, ông khóa trái khu vườn rồi đi du lịch khắp nơi. Ông chỉ đến thăm Colin mỗi khi cậu bé đã ngủ, vì sợ nhìn vào đôi mắt giống hệt mẹ của cậu. Nhưng khi đứng trước ba khu vườn đẹp đẽ kia, ông đã hoàn toàn bừng tỉnh. Sự hồi sinh của bốn khu vườn quả thực là một Phép màu.
" Dường như có rất nhiều người tốt để yêu quý - ngay cả khi ta không có thói quen yêu quý kẻ khác".
Giản dị,gần gũi, pha chút tò mò cùng giọng kể dịu dàng của Burnett, “ Khu vườn bí mật” đã mang đến một thông điệp còn nguyên vẹn giá trị hơn một thế kỷ đi qua “Hạnh phúc chẳng ở đâu xa, chính ở ngay trong bản thân mình, nơi mình, xung quanh mình và ngay dưới chân mình”.
Thông tin sách:
KHU VƯỜN BÍ MẬT
Tác giả: Frances Hodgson Burnett 
Dịch giả: Nguyễn Tuấn Khang
Nhà xuất bản: Nxb Văn học
Ngày xuất bản: 09/2010
Số trang: 372
Giá bìa: 54.000




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét