Trang chủ

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

A Simple Life (Dì Đào): Đưa con người về với giá trị gốc

Thùy Linh

Một cái tít không ấn tượng, một bộ phim cũng không mấy ấn tượng – chí ít là theo cách cả cũ lẫn mới của điện ảnh Hong Kong – nhưng lại đoạt giải Kim Tượng. Với bộ phim này, không chỉ Lưu Đức Hoa mà cả điện ảnh Hong Kong đều lột xác.


Điện ảnh Hong Kong trong hàng thập niên trở lại đây luôn loanh quanh nhưng đầy thành công trong cái bế tắc về đề tài phim Xã Hội Đen hoặc phim Kiếm Hiệp. Hong Kong được trao trả lại Trung Quốc kéo theo việc ngay cả những phim về đề tài Xã Hội Đen cũng phải chạy theo định hướng của chính quyền mới. Kết cục của việc này là chỉ còn những bộ phim về hình cảnh. Những đề tài về Chủ nghĩa Anh hùng Cá nhân dường như bắt đầu trở nên vắng bóng. Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận một nguyên nhân khiến cho điện ảnh Hong Kong có xu hướng thoái trào là sự lão hoá của những ngôi sao như Trương Học Hữu, Quách Phú Thành, Lưu Đức Hoa v.v.. Những bộ phim sản xuất không còn được nhiều như trước, lúc này chất lượng phải bù số lượng. Người xem cũng chuyển sang những lựa chọn mới.

Cách đây một vài năm khi xem Kiến Long Tá Giáp (Xem Rồng Cởi Giáp) của Lưu Đức Hoa, hẳn không ít người cuối cùng đã ngậm ngùi chấp nhận rằng Lưu Đức Hoa và điện ảnh Hong Kong giống như nhân vật trong phim cuối cùng đã già. Tìm được một đề tài mới, một xu hướng làm phim mới là không dễ - đặc biệt khi xu hướng này bị bó buộc bởi sự kiểm duyệt. Tuy nhiên, Dì Đào hay A Simple Life đã làm cho người xem thấy được tài năng của một người đàn ông “đa diện” Lưu Đức Hoa – người từng thành công với Đinh Lực nhân, nghĩa, lễ, trí, tín trong Bến Thượng Hải, với Triệu Tử Long trung quân, ái quốc trong Kiến Long Tá Giáp, với ông trùm trong Môn đồ, với Lưu Kiến Minh nham hiểm trong Vô Gián Đạo.  

Simple Life trái ngược hoàn toàn với những gì vẫn được xem là công thức chung cho sự thành công của một bộ phim của Hong Kong: không cháy nổ, không khói lửa, không lừa lọc, không nằm vùng, không hài hước. Bộ phim cũng không nhiều diễn viên. Nói theo một cách nào đó thì Simple Life là một bộ phim 08 giờ sáng quay, 06 giờ chiều đóng máy. Phim cũng chỉ có 02 nhân vật chính, và chỉ xoay quanh có 02 nhân vật chính. Những cảnh quay thì cũng chỉ loanh quanh trong một vài căn chung cư, bệnh viện và khu dưỡng lão. Thậm chí ngay cả khu dưỡng lão cũng ở trong khu chung cư. Tóm lại, nếu không có cảnh bệnh viện, bộ phim có thể hoàn toàn thực hiện trong một khu chung cư.


Có thể nói, nội dung phim khá đơn giản. Một anh thiếu gia độc thân không chịu lấy vợ của một gia đình đã qua cái thời hoàng kim khi mà người ăn kẻ ở đầy nhà sống chung với một người giúp việc lâu năm. Anh đi làm, người giúp việc nấu ăn. Hai người theo một cách nào đó nương tựa vào nhau để sống giữa cái Hong Kong của Lan Quế Phường. Rồi người giúp việc – chị/gì Đào (tên gốc là Đào Thư) – trúng gió, yếu dần và phải đi viện dưỡng lão. Anh thiếu gia – tên trong phim là Roger – chăm sóc, vậy là hết chuyện. Sẽ chẳng có gì để nói, chẳng thể thành phim. Nhưng cái thành công lại nằm chính ở chuyện vô lý, đơn giản và nhàm chán đó.

Một bộ phim với đề tài như vậy thành một bộ phim đoạt giải Kim Tượng đương nhiên phải có sức hút. Sức hút đầu tiên và trên tất cả ở đây là diễn xuất của Lưu Đức Hoa chứ không phải chỉ cái tên của anh. Ai đã từng xem Lưu Đức Hoa diễn trong Môn Đồ, trong Kiến Long Tá Giáp, hay trong Vô Gián Đạo sẽ đều hiểu rằng rất rất hiếm khi có một cử chỉ thừa trên khuôn mặt của anh. Diễn xuất của Diệp Đức Nhàn cũng không hề thua kém khi vào vai xuất sắc một người giúp việc làm việc cho một gia đình 60 năm. Những diễn xuất của bà khiến chúng ta nhớ tới Mẹ.

Dù không theo các công thức chung như cháy nổ, ma quái, nằm vùng nhưng A Simple Life lại giống với các bộ phim thành công của Hong Kong ở điểm đặc biệt chú ý tới chi tiết. Nếu chỉ xem phim và không chú ý tới lời thoại, tôi tin rằng người xem sẽ đánh mất 70% giá trị. Đó là những đoạn thoại của một thiếu gia và một người ở. Nhưng những đoạn thoại đó dần dần chuyển thành một người con trai với một người mẹ. Từ những scene đầu, người xem sẽ thấy Roger trong vai một kẻ ích kỷ. Đoạn thoại của 02 người giống như của 02 kẻ chẳng liên quan. Roger cứ làm việc của Roger, ăn nói chỏng lỏn. Dì Đào cũng làm việc của Dì Đào và cũng nói chuyện theo kiểu chẳng cần quan tâm. Khi đổ bệnh, Dì Đào cũng chỉ nói: “Muốn vào nhà dưỡng lão.” Roger hỏi lại: “Nhưng chi phí rất mắc.” Dì Đào trả lời: “Tôi tự có tiền.”

Nhưng dần dần, Roger lại trở thành một đứa con ngoan. Anh chăm sóc và làm tận tuỵ công việc của một đứa con trai với người Mẹ của mình. Những biến chuyển của lời thoại, của thái độ của Roger ngày càng ân cần nhưng Dì Đào ngày một già đi. Nếu xem phim, người ta dễ dàng hình dung ra cảnh trong tác phẩm Chiếc Lá Cuối Cùng. Tính chi tiết của bộ phim còn được thể hiện bằng những scene khá đời thường nhưng thật tinh tế. Dì Đào đi tuyển người giúp việc khác thay mình chăm sóc Roger nhưng đòi hỏi họ phải biết làm cá, và phải làm cá biển, phải biết nấu canh cho Roger uống mỗi khi đi làm về. Những người được Dì Đào phỏng vấn phải thốt lên: “Bà nghĩ bà đang tuyển con dâu chắc?” Hay đó là những scene Roger chơi đùa với lũ bạn, ăn một món cũ do Dì Đào chuẩn bị trước khi vào nhà dưỡng lão và chợt nhớ tới bà. Hôm sau anh tới và đưa Dì đi thăm cảnh vật bên ngoài.

Nói chung, Dì Đào là một phim khá khó xem nhưng sẽ là dễ xem với những người thích những gì sâu sắc. Nếu bạn từng thích Elizabeth Town hoặc những phim tương tự, bạn sẽ thích Dì Đào.


Brave( Công chúa tóc xù)- phim hay về tình mẹ con



                                                                             Thùy Linh
“ Định mệnh thay đổi. Nhìn vào trong, nối sợi dây bị đứt bởi lòng tự trọng.” chính là lời gợi mở của mụ phù thủy để giúp cô công chúa Merida hóa giải lời nguyền và hàn gắn những tình cảm đã mất với người mẹ Elinor.


Bộ phim  là câu chuyện về lòng dũng cảm của Merida trong hành trình thay đổi số phận của mình. Từ khi còn rất bé, Merida đã làm quen với việc bắn cung, cưỡi ngựa. Cuộc sống êm đềm cứ thế trôi qua, cho đến một ngày, vị Hoàng Hậu Elinor muốn kén phò mã cho công chúa. Mọi chuyện trở nên rắc rối khi Merida làm cha mẹ mình khó xử trong ngày kén chọn. Vào lúc đó, cuộc cãi vã giữa cô và Hoàng Hậu nảy ra, khiến Merida chém đứt tấm thảm thêu hình gia đình, rồi bỏ vào rừng. Được ma tơi dẫn đường đến nhà mụ phù thủy, Merida trao đổi để lấy một câu thần chú làm thay đổi Hoàng Hậu Elinor. Câu thần chú vô tình biến Hoàng Hậu xinh đẹp thành gấu,mà loài gấu là kẻ thù của đức vua Fergus, vì ông từng bị con gấu Mor’du tấn công làm hỏng một chân. Để bảo vệ mẹ mình, cô đã đưa mẹ vào rừng, tìm bà phù thủy và hóa giải bùa chú. Nhưng bà ta đi vắng và để lại lời nhắn: “ Nối lại sợi dây bị đứt bởi lòng tự trọng.” Nếu Merida không tìm ra đáp án trước bình minh lần thứ hai, mẹ cô sẽ mãi mãi là một con gấu.



Chỉ xoay quanh tình tiết về những sai lầm giữa hai mẹ con, những mâu thuẫn đẩy lên tột độ, và cách giải quyết khéo léo của Merida, bộ phim đã xây dựng thành công một câu chuyện và một bài học, về tình mẫu tử cao đẹp.

Cô và mẹ cũng sa vào nhiều mâu thuẫn muôn thuở giữa mẹ và con gái, không tài nào giải quyết một cách ngắn gọn được. Trên con đường thay đổi định mệnh ấy, sai lầm nghiêm trọng nhất mà cô mắc phải là có thể mất đi người mẹ yêu quý vĩnh viễn. Ta có thể tin rằng, sự dũng cảm Merida có được khi tìm cách cứu thoát mẹ mình: là lòng yêu thương bà tha thiết. Sai lầm của Merida, ngoài mang đến những phiền phức không đáng có, còn là một cơ hội, cho cả hai người có thời gian hiểu nhau và hòa giải những mâu thuẫn.
Khi ở trong rừng, Merida và mẹ gấu đã có những phút giây thật ấm áp. Cô và mẹ gấu cùng bắt cá dưới sông. Merida đã dạy mẹ mình cách để sinh tồn trong rừng hoang, khi bà hái cà độc và nước suối làm bữa sáng.

Cho đến khi quay lại lâu đài để khâu tấm thảm bị chia cắt, để hóa giải bùa chú, thì sức mạnh vô hình của loại bùa chú khác mang tên :tình mẫu tử đã phát huy tác dụng. Hình ảnh gấu mẹ ra hiệu cho Merida khi phát biểu trước toàn thể liên minh của vương quốc, đã cho người xem thấy, rõ ràng, Merida và mẹ đã thực sự đồng cảm với nhau, mọi hiểu lầm và tức giận đã được hóa bỏ. Mẹ gấu- Hoàng Hậu Elinor tôn trọng quyết định của con gái và đồng ý cho cô làm những việc mình mong muốn.
“ Liệu những người trẻ như chúng tôi có quyền được chọn lựa người mình yêu?”
Thông điệp đẹp về tình yêu cũng phần nào được gửi gắm qua câu nói ấy của công chúa.
Người xem, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi, sẽ không khỏi xúc động khi chứng kiến toàn bộ hành trình đầy thú vị này.
Thông qua cuộc hành trình, cô đã nhận ra, Hoàng Hậu Elinor là người luôn ở bên cạnh, che chở cho cô, chỉ có cô là chưa từng để ý gì đến điều đó. Vào lúc Merida ôm mẹ khóc và tưởng rằng sai lầm của mình sẽ lấy mất đi người mẹ vĩnh viễn, cô đã khóc những giọt nước mắt ân hận, đồng thời cũng là những giọt nước mắt chan chứa tình yêu thương. Với mô tip quen thuộc giống một câu chuyện cổ tích, cuối cùng Hoàng Hậu Elinor đã trở lại làm người. Và họ sống bên nhau hạnh phúc.


So với những bộ phim hoạt hình về nhiều nàng công chúa trước đây, thì Brave là hình ảnh một nàng công chúa hoàn toàn khác biệt. Công chúa không yếu đuối, không nhẹ nhàng, mà gan lì, bản lĩnh và tính cách vô cùng phóng khoáng. Cách xây dựng nhân vật này là một điểm khá thú vị của phim, và giúp khán giả nhỏ tuổi cảm thấy hứng thú với nội dung phim hơn. 
Giống như những bộ phim hoạt hình khác của Pixar, sau mỗi thước phim luôn là những bài học nhẹ nhàng, ý nhị về cuộc sống, về con người.
Từ câu chuyện về cô công chúa tự tin, mạnh mẽ và yêu thích cuộc sống hoang dã, bộ phim gởi gắm những thông điệp về khát khao tự do, về lòng can đảm quyết tâm thay đổi vận mệnh của con người. Vận mệnh thực sự, là do chính mỗi bản thân chúng ta tạo ra và chịu trách nhiệm về nó, không nên chịu sự chi phối của bất kì một lề lối nào. Bộ phim còn ca ngợi tình cảm gia đình cao quý, đặc biệt là tình mẫu tử thiêng liêng, nhắc chúng ta trân trọng những người đã luôn yêu thương và bảo vệ mình. Gia đình, sẽ là điểm tựa vững vàng nhất giúp chúng ta vượt qua tất cả những khó khăn trong cuộc đời này.
Bộ phim xứng đáng để bất kỳ bà mẹ nào và con gái của mình cùng nhau ngồi xem và hóa giải những mâu thuẫn.
Thông tin bộ phim:
“ Brave”
Tên Tiếng Việt: Công chúa tóc xù
Thể loại: hài hước, phim hoạt hình
Quốc gia: Mỹ
Nhà sản xuất: Pixar
Năm sản xuất: 2012
Thời lượng: 90 phút


“KHU VƯỜN BÍ MẬT- BỐN ĐIỀU BÍ MẬT ẨN CHỨA TRONG MỘT TÁC PHẨM”



                                                                                                                        THÙY LINH

Khu vườn bí mật (The secret garden)  là một tác phẩm kinh điển dành cho thiếu nhi của nền văn học Anh, xuất bản cách đây hơn một thế kỷ. “Một pha trộn của sức mạnh, vẻ đẹp, mối quan tâm sinh động và lòng tốt chân thành. Cuốn sách này chính là một điều thần kỳ.” 
Cuốn sách giống như câu trả lời về mọi điều đã quên lãng của người lớn, khi bỗng nhớ đến sự bí ẩn trong tuổi thơ của mình; nó chính là một khu vườn tươi mát, sẽ đâm chồi nảy lộc trong tâm hồn non nớt của những đứa trẻ. Gập trang sách lại bỗng thấy tâm hồn mình cũng đầy rẫy những dây thường xuân che khuất.
Tôi vô tình nhìn thấy một cuốn sách với cái bìa màu vàng cổ điển, phác họa một cánh cửa với vài cành cây chẳng lấy làm nổi bật; nhưng nó mang cái tên ấn tượng “ Khu vườn bí mật”. Tôi tò mò và mở vài trang đầu. Như một phép màu, tôi ngồi hẳn xuống ghế và đọc cho hết bốn chương mới đứng lên thanh toán tiền. Có một sức mạnh vô hình nào đó của con chữ khiến ta cứ muốn lật mở từng chương. Và khi gập lại, thế giới tuổi thơ ta từng trải qua, hiện ra trước khung cửa sổ trong phòng ngủ, với ánh nắng và những đám mây xốp hồng bầu trời mùa xuân; ta ám ảnh và chập chờn mơ tưởng. Hóa ra trong tâm hồn mỗi người, ai cũng có một khu vườn bí mật như thế.

Lời mở đầu cuốn sách gợi nhắc tôi đến “ Hoàng tử bé”- cái tên quen thuộc với trẻ em toàn thế giới. " Những người lớn, chẳng bao giờ tự họ hiểu được cái gì cả, và thật là mệt cho trẻ con lúc nào cũng phải giải thích cho họ. " (trích Hoàng tử bé, 1931). Trong thế giới của trẻ con, có lẽ người lớn thật sự phức tạp.
Truyện bắt đầu bằng nhân vật chính là cô bé với cái tên dễ thương Mary, nhưng tính cách lại vô cùng cục cằn, thô lỗ và xấu xí. Lớn lên trong sự giàu có, nhưng Mary chưa bao giờ có tình yêu thương của cha mẹ.
Cho đến khi dịch tả bùng phát, cô trở thành trẻ mồ côi được gửi đến sống trong  lâu đài ở vùng Yorkshire nước Anh lạnh lẽo, nơi ở của ông bác Craven. Tại cánh đồng tưởng chừng hoang vắng này, cuộc sống của Mary đã thay đổi hoàn toàn.
Một trong  những lần đi dạo quanh vườn, cô bé gặp một con chim có cái ức đỏ và vô tình khám phá ra khu vườn bị khóa trái suốt 10 năm qua. Cùng với Dixon, cậu bé dễ mến có đôi mắt xanh trong, thường nói chuyện với động vật bằng ngôn ngữ của chúng, cũng như am hiểu rất rộng về thiên nhiên, Mary đã hồi sinh lại nơi ấy bằng những giống hoa lưu ly, thạch thảo; bằng tình yêu của một đứa trẻ chưa bao giờ làm vườn. Chúng làm với niềm hăng say kì lạ dành cho những hạt mầm đang vùi sâu trong đất, với niềm hy vọng vào những dây hoa hồng héo quắt và cảm tưởng cả khu vườn sẽ thơm ngát hương hoa vào mùa xuân. Cũng bằng một lần tình cờ khác, Mary phát hiện ra cậu chủ Colin – con trai của bác Craven– người từ bé đã ốm yếu luôn gào khóc nghĩ mình sắp chết. Từ những câu chuyện kể của Mary về khu vườn, đến những lần cùng Mary và Dixon chơi đùa, chăm sóc khu vườn bí mật ấy, Colin chợt phát hiện ra “Phép màu” khiến cho mình có thể trở nên khỏe mạnh và tự đi lại được trên đôi chân của bản thân không cần nhờ đến người khác.
“Cậu có muốn cùng mình bước vào khu vườn bí mật ấy không? Cậu sẽ tin vào những Phép màu…mình hứa đấy!”
Tôi cho rằng, những điều làm nên sức hút của câu chuyện là Phép màu. Những đứa trẻ có niềm tin tuyệt đối vào chúng. Phép màu bằng cách nào đó đã để Martha làm người phục vụ Mary và mang Dickon đến với cô bé. Colin tin rằng Phép màu đã làm cho Dickon biết nói chuyện với các con vật và lắng nghe chúng trả lời. Phép màu đã làm Colin có thể đứng thẳng trên đôi chân,bước đi vững trãi như một người anh hùng. Cậu bé đã tin mình có thể sống mãi mãi. Phép màu đã đưa Colin đến với khu vườn- nơi mẹ cậu từng cẩn thận chăm bón- và rồi cậu hồi sinh một cách kỳ diệu. Phép màu đã làm ông Ben làm vườn cục cằn, xấu tính, hay cáu bẳn trở nên tuận lệnh và hiền hòa biết bao nhiêu.
Trong cuốn sách này, dường như có sự hiện thân của bốn khu vườn bí mật. Khu vườn thứ nhất là nơi bị bỏ hoang 10 năm, nhưng kỳ lạ, những củ hoa thủy tiên, dây hoa hồng vẫn chưa chết hẳn. Bí mật hé mở khi bác Ben làm vườn thấy bọn trẻ bên trong. Ông chính là người âm thầm trèo vào chăm sóc khu vườn cho đến khi bị thấp khớp hai năm qua.
Khu vườn bí mật thứ hai và thứ ba, chính là tâm hồn và cơ thể dồi dào của Mary và Colin. Cả hai đã từng là những đứa trẻ gầy gò, đen nhẻm hoặc trắng bệch, với tính cách vô cùng khó ưa. Nhờ có tình yêu thiên nhiên, hay chính vẻ đẹp bình dị của thiên nhiên đã gắn kết chúng với nhau, làm hồi sinh khu vườn cũng như hồi sinh chính tâm hồn của chúng. Đọc đến đây, tôi cảm giác như mình cũng muốn lao ra khỏi nhà, mua cuốc, mai và vài hạt hoa thạch thảo gieo vào đất. Tình yêu thiên nhiên và cái đẹp của tôi cũng thức tỉnh khi thấy sự ương ngạch và bất chấp của Mary với khu vườn này.
Còn một khu vườn quan trọng hơn nữa, nếu bạn đã đọc đến những chương cuối cùng, đó là tâm hồn khóa trái cửa,chịu nhiều đau đớn của ông bác Craven- bố cậu bé Colin. Với nỗi đau mất đi người vợ yêu quý, ông khóa trái khu vườn rồi đi du lịch khắp nơi. Ông chỉ đến thăm Colin mỗi khi cậu bé đã ngủ, vì sợ nhìn vào đôi mắt giống hệt mẹ của cậu. Nhưng khi đứng trước ba khu vườn đẹp đẽ kia, ông đã hoàn toàn bừng tỉnh. Sự hồi sinh của bốn khu vườn quả thực là một Phép màu.
" Dường như có rất nhiều người tốt để yêu quý - ngay cả khi ta không có thói quen yêu quý kẻ khác".
Giản dị,gần gũi, pha chút tò mò cùng giọng kể dịu dàng của Burnett, “ Khu vườn bí mật” đã mang đến một thông điệp còn nguyên vẹn giá trị hơn một thế kỷ đi qua “Hạnh phúc chẳng ở đâu xa, chính ở ngay trong bản thân mình, nơi mình, xung quanh mình và ngay dưới chân mình”.
Thông tin sách:
KHU VƯỜN BÍ MẬT
Tác giả: Frances Hodgson Burnett 
Dịch giả: Nguyễn Tuấn Khang
Nhà xuất bản: Nxb Văn học
Ngày xuất bản: 09/2010
Số trang: 372
Giá bìa: 54.000




NGƯỜI CHA BUÔN HÀNG CHUYÊN

người cha buôn hàng chuyến- một truyện ngắn trích từ tập truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến XB năm 2013. Tôi đã mua nó trong một buổi chiều cuối đông năm ngoái, sau một vài lần lưỡng lự. Tôi mua, phần vì do bạn bè giới thiệu, phần vì tôi cũng có người cha rất vĩ đại. Đọc xong lần thứ hai truyện này, cảm giác trong lòng như bị ai bóp chặt đến nghẹt thở, đầy ám ảnh, xót xa và cảm phục. Cảm giác lặng đi bên trang sách, thấy buồn nhưng vô cùng trống rỗng, rồi nước mắt tuôn rơi. Y như lần đầu tiên đọc " Cánh đồng bất tận" Nguyễn Ngọc Tư. " À ơi hoa cải về trời rau răm ở lại chịu nhiều đắng cay". hai bàn tay trắng chính là tài sản lớn nhất người cha ấy để lại, ông ra đi sau một cơn say thanh thản, bình yên và không hề vướng bận. "Dẫu không bằng ai, tôi vẫn có nhiều thứ nhưng có một thứ tôi hiểu mình hèn kém chẳng bao giờ có được như cha. Ấy là sự dám sống theo cách của mình và chẳng thèm phiền lụy, sợ sệt ai. Tự nhiên tôi thấy thèm muốn và ước ao được chết trong một cơn say như cha tôi."
NNT hình như viết câu chuyện dành để " thanh minh" cho những người cha sống ở trên đời. Cuộc đời vẫn buồn và bất lực biết bao nhiêu
NGƯỜI CHA BUÔN HÀNG CHUYẾN- Nguyễn Ngọc Tiến

Mai là sinh nhật tôi. Ngồi, định viết cái truyện ngắn. Có nhiều chuyện để viết nhưng tự nhiên tôi nghĩ đến cha. Cha tôi có lẽ là một số phận kỳ là nhất trong tất cả những người ở cuộc đời này tôi đã gặp.  Ông mất năm 1995, đã được 17 năm. Cha tôi sinh năm 1920, trong tờ khai sinh của tôi ông đề ở mục nghề nghiệp là buôn hàng chuyến. Rất nhiều năm sau này tôi thực sự không biết nghề của ông vào những tháng năm tuổi trẻ là nghề gì. Chưa bao giờ ông nói một tiếng về những ngày ấy. Họ hàng bảo ông học trường Bưởi rồi theo cách mạng, làm ngành công an sau bỏ tất tần tật về làm người tự do. Còn mẹ tôi bảo nghề của bố mày là uống rượu. Rượu và dong chơi hiểu không, cả đời tao khốn khổ khốn nạn vì bố mày.
Tôi không mấy quan trọng những chuyện đó. Khi tôi mới sinh ra năm 1956 nghe nói nhà tôi vẫn ở diện khá giả có nhà mặt phố, có vườn tược ruộng dất ở quê, tôi có vú em bế ẵm hàng ngày. Nhưng khi lớn len bắt đầu biết nhận thức thì tôi chưa chưa chứng kiến được ai trong số những người quen biết lại ở vào hoàn cảnh oái oăm như nhà tôi. Một căn nhà lá ở ngoài bờ sông. Và bố tôi làm một nghề bần cùng có thể nói độc nhất vô nhị ở thành phố. Nghề đánh xe bò kéo. Ký ức tuổi thơ tôi với cha không phải ở cái nghề oái oăm kia mà là những cuộc rượu triền miên của  ông với bạn bè. Nếu ngắt ra hơn bốn năm sơ tán ở quê ngoại thì phần còn lại của thời gian đến khi tôi đi bộ đội ký ức của tôi chính là những cuộc rượu đó. Bạn bè ông đa phần đều cùng trang lứa, trong đó có người em ruột sau này là Tổng biên tập một tờ báo. Những người kia đều có chức phận hẳn hoi. Tôi biết vài người trong số đó làm lớn. Họ có cách ăn mặc giống nhau. Hè là sooc ka ki vàng, áo trắng cộc tay. Đông là complet nghiêm chỉnh. Có điều lạ là trong câu chuyện rượu, họ nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ pha trộng giữa tiếng Pháp và tiếng Việt. Đa phần là những tranh luận nảy lửa về thời cuộc, kế đó là những bàn luận văn chương không kém phần rôm rả. Tôi biết uống rượu sớm là nhờ những cuộc rượu này.
Tôi là con bà hai. Cha tôi có với người vợ cả ba chị con gái. Mẹ tôi chồng chết, có một chị con gái gửi ở quê cho bà ngoại tôi nuôi. Mẹ tôi đi buôn chuyến ở thành phố. Trong kháng chiến nhờ những chuyến hàng chuyển vào vùng tự do mà gặp cha tôi. Hai người cặp kè với nhau nhiều năm đến khi hòa bình lập lại thì chính thức ở với nhau và sinh ra tôi cùng hai em trai cách tôi vài tuổi. Tổng cộng cha tôi có sáu người con, nếp tẻ bằng nhau. Thường thì cha tôi thường trực ở với mẹ tôi những thi thoảng vẫn tua về với với vợ cả cho đến năm 1973 ông bị tai biến não thì những chuyến tua chấm dứt hẳn. Ký ức tôi chỉ lờ mờ nhớ đến cha bằng hình ảnh ở chỗ nào ông cũng kè kè tập báo, tạp chí và những quyển sách dày cộp tiếng nước ngoài. Và rõ nhất là những lần cha tôi say rượu. Rõ nhất là vì hầu như ngày nào ông cũng say. Nghề xe bò kéo tuy bần cùng những lại kiếm ra tiền. Ông thuê một người làm rẽ chia tiền mỗi ngày và thi thoảng có ngồi càng xe trực tiếp. Những lần như thế ông hay tha tôi đi cùng, cho tôi ăn những món ngon nhớ đến tận bây giờ. Những quán ăn, quán café sau này tôi biết đều là sản phẩm những ngày cha tôi đãi đằng. Cha tôi chỉ cho tôi khám phá thế giới theo cách của mình. Tuyệt nhiên không bao giờ ông dạy bảo tôi phải như thế này phải như thế nọ. Ông chỉ ép tôi đọc sách. Thượng vàng hạ cám có cuốn gì là ông nhồi nhét cho tôi. Thói quen này đến bây giờ tôi cũng truyền lại cho con cái. Trên dưới mười tuổi tôi đã nghiền gần hét văn học sử ta, tàu và những cuốn tiểu thuyết phương tây cổ điển. Cả những cuốn sách cấm của dòng Tự lực văn đoàn. Dĩ nhiên thằng choai choai mới mười một, mười hai là tôi bấy giờ đã biết mơ màng đến những mối tình trai gái trong các cuốn sách thời đấy. Có lẽ đây là vốn liếng cha cho tôi để trở thành nhà văn sau này.
Nói về say. Cha tôi buổi chiều ngồi uống rất nhiều. Có bạn hay không có bạn cũng vậy. Dạo còn bé tí tôi luôn thắc mắc cha tôi tại sao cứ rượu say khướt lại ra cửa nhà chửi và sau đó xuống dồn công an ngủ. Sau thì biết những lần say bết bát ông chửi không thiếu thứ gì từ đoàn thể đến những yếu nhân. Và công an đến nhà bắt ông xuống đồn sáng hôm sau mới thả. Chuyện này lặp đi lặp lại đến mức tôiq uen thân với cả ông chú công an hộ tịch được giao nhiệm vụ dong ông đi ở những lần như thế. Tôi còn nhớ chú tên là Điển. Có lần khi cha tôi còn chưa kịp uống thì chú Điển đã đến nhà. Cha tôi bảo đến sớm thế, hôm nay tôi trực sẵn ở đây để đưa anh đi cho tiện. Rồi chính chú hộ khẩu đó ngồi uống cùng với cha tôi. Tàn bữa hai người lại dắt nhau xuống đồn. Lần ấy tôi nhớ cha tôi còn chưa kịp chửi câu nào. Hóa ra chú Điển say hơn dẫn cha tôi theo phản xạ có thường ngày. Về chuyện này mẹ tôi bảo cũng là bắt bớ nhưng bố mày xuống đồn ngủ tỉnh rượu thì về. Cái đám bắt toàn quen bố mày ngày trước. Hóa ra cha tôi bất mãn gì đó nên cứ say là chửi tuốt. Người ta không nỡ xử nặng. Tội ấy kể cả bây giờ cũng rũ tù. Điểm này tôi thua ông đứt đuôi con nòng nọc. Cấm có bao giờ dám mở miệng trước những điều ngang trái.
Tôi đi bộ đội đến năm 1976 thì xuất ngũ. Bấy giờ cha tôi đã bị tai biến liệt nửa người được mấy năm. Cảnh nhà lúc ấy thê thảm vô cùng. Vẫn căn nhà lá dạo trước. Cha thì ốm. Mẹ tôi chạy chợ chỉ đủ chi tiêu. Tôi thuộc diện chính sách được đi nước ngoài lao động nhưng nhìn cảnh nhà như thế không đành dứt áo ra đi. Tai biến nhưng cha tôi là người giỏi võ , ông luyện tập hàng ngày nên vẫn đi lại được chỉ tập tễnh và phát âm ngọng. Tôi ngừng moi dự định, lao vào nuôi thân trước mắt để tính kế lâu dài. Cha tôi giờ không còn kiêu dũng như xưa nữa, trí óc không bằng trước nên ông bỏ thói quen đọc và có vẻ như ông cũng không còn đủ sức để uống rượu say chửi đổng nữa. Ông có vẻ xa xót cho hoàn cảnh lập thân của tôi bấy giờ. Nhớ trước khi tôi đi bộ đội, ông bắt tôi xòe ngửa hai bàn tay ra rồi bảo:
-          Đời cha lận đận không có của cải gì. Có thể con sẽ oán trách cha nhưng con phải hiểu rằng, hai bàn tay trắng này, đó mới là thứ tài sản lớn nhất. Cha chỉ có thể cho con được điều đó.
Lúc ấy tôi đã không hiểu và có trách móc cha tôi thật. Làm sao được khi tôi còn quá trẻ. Cuộc sống quân ngũ dạy cho tôi nhiều điều và khi trở về vào những lúc tuyệt vọng nhất tôi lại ngửa bàn tay mình. Trắng trơn. Và tôi ngẫm nghĩ. Phải tự mình vươn lên thôi. Tôi làm đủ nghề, vừa đi làm vừa đi học. Cho đến một ngày tôi xây được ngôi nhà trên nền đất cũ rồi lấy vợ trở thành nhà văn. Trong suốt thời gian này, cha tôi tuy tàn phế nhưng ông không chấp nhận số phận. Cứ sáng ra ông đi đến nhà bưu điện thành phố xếp hàng mua báo. Ngày đó báo có rất ít tờ như bây giờ. Ông xếp hàng nhiều lần và mang tập báo đi bán rong. Tôi đã ứa nước mắt nhìn theo ông tập tễnh trên hè phố bán từng tờ báo kiếm ít tiền lời. Bảo ông thì ông cười cha tự kiếm ăn được, đừng lo, không nhục nhã cái nghề này đâu. Không có nghề nào nhục con ạ. Chỉ hèn mới nhục. Tiền kiếm được từ việc lao động này ông cũng chỉ dùng vào việc uống rượu. Nhiều lần thằng trai lừng lững như tôi, cả ông chú tổng biên tập cũng phải uống trạc cha tôi cút rượu từ những đồng bạc của những bước đi tập tễnh. Không ít lần tôi nhòa mắt bất lực nhìn cha tôi sau mỗi chuyến đi về móc ra từ túi những đồng bạc lẻ vuốt thẳng và xếp chúng lại. Ngày đó là quãng thời gian khốn khó vô cùng, tôi làm cật lực cũng chỉ đủ nuôi thân. Cứ như vây, cha tôi khó nhọc và hồn nhiên sống.Đâu như vài ba lần tai biến nữa thì ông liệt hẳn. Năm 1995 cha tôi không gượng dậy nổi. Lúc đo ông 75 tuổi. Những ngày cuối đời ông nằm một chỗ, ăn uống không vào, cứ thế cơ thể đùn ra mọi thứ. Được một tuần thì cha tôi chỉ còn bộ gọng tươi. Những ngày này đột nhiên ông nói như người thường không còn ngọng nghịu. Rành rẽ mọi điều. Bình luận người này người khác trong nhà rất chính xác, nói nhiều điều về quá khứ. Ông bảo tôi đưa cuốn tiểu thuyết mới in cho ông. Cha tôi lật xem rất kỹ cái bìa có đề tên tôi rồi gật đầu. Tôi biết ông hài lòng. Dạo in cuốn tiểu thuyết đầu tay mấy năm trước, lúc tôi đưa cho ông xem cha tôi đã bật khóc.
Lại nói lúc cha tôi cầm cuốn tiểu thuyết, ông bảo tôi vậy là cha yên tâm. Con hãy nhìn cuộc đời cha mà tránh mọi sai lầm. Giờ thì tôi biết ông từng có một thời oanh liệt nhưng chỉ vì cú lấy vợ hai cộng thêm những rắc rối thời cuộc xảy đến với gia đình dạo cải cách nên ông đã rũ áo rời bỏ tất cả ra bờ sông dựng nhà, làm cái nghề chẳng giống ai kia. Hôm cha tôi ra đi, tôi có buổi họp ở báo Văn nghệ nên về quá trưa, thấy mắt cha tôi sáng rực. Ông bảo với tôi, lúc này tự nhiên ông thay đổi xưng hô, tôi hỏng mất rồi anh Tiến ạ. Tôi nói thôi cha ơi, số phận là như thế không thể cưỡng. Ông bảo đúng, tôi coi như xong, anh nhớ cho tôi về quê nằm, đừng đưa tôi đi Hoàn Vũ. Tôi hỏi tiếp cha có điều gì hận cuộc đời này không? Là lúc đó tôi nghĩ đến những cơn say triền mien của ông dạo còn nhỏ.  Cha tôi nói không. Không hạn gì cả. Vậy cha có tiếc gì không? Ông nghĩ một lát rồi bảo, không, không hề tiếc.  Vậy bây giờ cha còn thèm gì nữa không? Ông gật đầu rồi nói rành rọt. Cho tôi ngồi dậy. Tôi gọi em trai giúp sức dựa ông ngồi dựa vào tường. Ông nói như ra lệnh. Rót cho tôi chén rượu! Tôi tròn mắt vì lâu nay không không còn đủ sức uống. Hai an hem tôi nhìn nhau như hội ý rồi tôi đi rót một chén tống. là cái chén kiểu quả hồng ngày trước. Cha tôi nhẩn nha từng ngụm nhỏ đầy tận hưởng. Mãi rồi cũng hết chén rượu. Châm cho tôi điếu thuốc. Tôi lật bật châm giữ cho cha hút hết điếu thuốc ba số.  Vuốt tóc cho tôi! Tôi và cậu em làm theo như một cái máy. Ông bảo tôi say mất rồi, rượu nặng quá, thuốc cũng thế nhưng thích. Vuốt tóc xong cha tôi không nói thêm câu nào nữa, đầu gật xuống vì say chỉ ra hiệu cho nằm. Ông nhắm mắt thiếp đi ngay. Tôi cũng nằm ở cái võng kế bên. Đang ngủ chợt tôi thấy một làn khói bốc lên bay vụt ra ngoài cửa. tôi choàng tỉnh liếc sang. Cha tôi đang ngáp ngáp. Tôi vội chụp tay vào mặt ông để vuốt mắt. Cha tôi đã đi trong một cơn say. Ông đã sống một cuộc đời chẳng giống ai đầy khốn khó. Nhưng tôi biết ông ra đi không hề vướng bận.
Mai là sinh nhật 57 tuổi của tôi. Tôi đang dần trở thành một ông già. Viết đến dòng này tôi xòe hai bàn tay mình ra. Ngửa hai bàn tay trắng. Phải đến tận lúc này tôi mới biết những gì cha cho tôi lớn biết chừng nào. Dẫu không bằng ai, tôi vẫn có nhiều thứ nhưng có một thứ tôi hiểu mình hèn kém chẳng bao giờ có được như cha. Ấy là sự dám sống theo cách của mình và chẳng thèm phiền lụy, sợ sệt ai. Tự nhiên tôi thấy thèm muốn và ước ao được chết trong một cơn say như cha tôi.
                                                                                                                            Hà Nội, 1/7/2012

Lạc vào miền cổ tích giữa nhân gian- Y Tý

Vẻ đẹp nguyên sơ của chốn thiên đường mây cùng những câu chuyện cổ tích về miền đất giáp với trời này khiến bất cứ ai từng đến đây một lần đều muốn quay lại thêm nhiều hơn nữa.
Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát( Lào Cai), nằm ở độ cao trên 2.000m, tựa vào dãy núi Nhĩ Cù San có đỉnh cao tới 2.660m. Nơi đây gần như quanh năm mây mù bao phủ, rất hiếm khi thấy được ánh sáng mặt trời soi đủ cả ngày. Nếu trở lại hơn 5 năm về trước, Y Tý vẫn là một cái tên lạ, xa hoắc, thì giờ đây lại là địa điểm lý thú cho những ai thích du lịch trải nghiệm.
Y Tý đẹp như một câu chuyện cổ tích giữa chốn nhân gian bởi nó còn giữ được tất cả vẻ đẹp hoang sơ từ thuở khai sinh của mình. Những con đường mòn bám chặt vào núi ngoằn nghoèo rồi chìm nghỉm trong đám lá rừng. Những ngôi nhà thoáng thấy trong làn mây bay. Thỉnh thoảng vài bông hoa rừng hồng hào đủ sắc màu điểm xuyết trên nền mây trắng ấy. Đến với Y Tý, tôi thấy mình như đang lạc vào thế giới khác chẳng muốn rời, yên bình và hoang dại, thấy chốn phồn hoa đô thị bỗng lạ lẫm lắm thay.

Y Tý có ba khoảng thời gian thích hợp để tới thăm. Đó là mùa lúa chín từ khoảng tuần thứ 3 của tháng 8 cho đến giữa tháng 9. Mùa săn mây vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 hàng năm và mùa nước đổ vào khoảng tháng 5 đến tháng 6. Nếu đến Y Tý vào mùa đông, thời tiết lạnh buốt, bạn có thể được đãi thêm cả việc ngắm tuyết rơi từ độ cao trên 2000m.
Tôi lên Y Tý giữa độ tháng Hai như một sự sắp đặt của số phận, không chần chừ và e ngại, tôi lên đường ngay sau một lời mời của anh bạn cùng cơ quan. Tháng Hai âm lịch đất trời Tây Bắc còn chưa dứt hẳn những cơn mưa xuân, mưa phùn. Thời điểm trời đất giao hòa chính là lúc thích hợp nhất để các tay mê nhiếp ảnh tới đây săn mây. Nếu ai đã từng một lần lên tới vùng đất cao gần trời, tận mắt chứng kiến những gốc mai, gốc mận nhú mầm non biếc ngày xuân, tôi tin chắc rằng bạn nhất định sẽ muốn quay lại thêm một lần. Tôi đã phải lòng Ý Tý ngay lần đầu gặp gỡ. Trên độ cao hơn 2000m, Y Tý như một điều gì rất bí mật của riêng đất và trời.


Săn mây trên Y Tý là một việc không hề dễ và phải may mắn lắm mới gặp đúng ngày mây nhiều. Sau giờ phút ngắn ngủi đó có thể trời sẽ mưa hoặc mây bị gió xua hết. Cảm giác khi vượt qua cả một quãng đường gian nan, vất vả rồi thu gọn trong tầm mắt là cả một thiên đường mây, bạn sẽ không thấy ân hận vì đã đi tới tận cùng. Mọi sự di chuyển đều rất chậm và tĩnh lặng, tôi đã rất ngạc nhiên khi lên tới đỉnh Y Tý. Hóa ra đường lên trời là có thật.  Chúng tôi lặng thinh, và cứ như quen nghề, ai cũng cầm máy ảnh bấm vội vã như sợ không nhanh thì cảnh tượng có một không hai này sẽ biến mất không bao giờ trở lại. Chúng tôi chỉ ra hiệu cho nhau khi cần thiết vì sợ nếu phát ra âm thanh ồn ã, những áng mây đẹp kia sẽ biến mất. Thiên nhiên hoang sơ Y Tý trước đây vẫn chỉ quen với váy xòe của các cô thôn nữ vùng cao, chỉ quen với lúa vàng óng ả, những ruộng bậc thang cao hút tầm mắt. 

Thỉnh thoảng lại có một vài đám mây  mạnh dạn hạ mình xuống thấp tầm tay với của con người như tò mò chúng tôi đến từ mảnh đất nào.
Sau tết nguyên đán Y Tý rực rỡ sắc màu hoa đào hoa mận, tươi rói như cô thôn nữ vừa bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Đào rừng ở đây nở hết mình cho tới tận bông cuối cùng. Những ngôi nhà người đồng bào Hà Nhì thoát ẩn thoát hiện trong một rừng hoa đẹp đến nao lòng. Những bộ váy xòe được cô gái dân tộc khéo léo phơi trên những mỏm đá khoe sắc cùng màu đỏ, màu hồng, màu trắng tinh khôi của thiên nhiên. Mọi chuyển động chậm rãi nhịp nhàng nhưng đem lại cảm giác rạo rực khó tả.


Qua mùa săn mây Y Tý vào mùa nước đổ, bắt đầu một mùa cày cấy. Những thửa ruộng bậc thang loang loáng nước dưới cái nắng tháng Năm đẹp như một bức tranh thủy mặc. Nắng của trời hòa quyện với nước dưới mặt đất, đan hòa vào nhau. Một vài cô gái miệng cười tươi cặm cụi cấy lúa trên thửa ruộng nửa vuông nửa tròn của mình. Con người điểm xuyết một vài nét trên bức tranh ấy, đứng giữa làm nét gạch nối cho đất trời, bỗng thấy mình lâng lâng mà xúc động.

Nếu đến đây vào mùa lúa chín, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến Y Tý bời bời sương giăng. Lúc trời hửng nắng mây cuốn sương đi để lộ cả cánh đồng lúa chín vàng. Nhìn ruộng bậc thang từ trên cao ta sẽ thấy cánh đồng nghiêng hẳn từ đỉnh núi dốc xuống tận con suối phía vực sâu thăm thẳm.
Lúa Ý Tý chín đều, hạt vàng to, chắc mẩy, vàng tới tận chân rạ. Màu vàng khỏe khoắn, rắn rỏi như da thịt con người phải vạt đá, vạt rừng tạo thành những thửa ruộng mênh mang. Lớp lớp những ruộng lúa ken bông, đầy đặn tăm tắp vàng óng ả. Suốt từ Ngải Thầu dọc theo dốc xuống Sín Chải, hút tầm mắt xuống phía cầu đá Thiên Sinh, tất cả ửng lên một màu vàng ấm áp no nê.  Màu vàng tích tụ từ những vạt nắng bát ngát sau những đợt sương mờ. Màu vàng chắt lọc từ đất từ đá dâng lên.  Những người nông dân như những con kiến chăm chỉ cấy hái trên cánh đồng bậc thang sắc màu chìm trong sương mù.
Đường lên  Y Tý khó khăn và gian khổ không thể nào tả xiết. Để nói về hành trình gian nan lên được miền cổ tích này, nhà thơ dân tộc Lò Ngân Sủn từng ví “ Mở đường ô tô lên Y Tý thì có khác gì mở đường ô tô lên trời..”. Nhưng giờ đây, đường lên chốn tiên cảnh bồng lai này không còn khó như trước. Dấu vết bánh xe máy, xe ô tô đã hằn lên tất cả những con đường nhầy nhụa bùn. Đoạn đường khó nhất trong 1 năm tới cũng sẽ được bê tông hóa. Người cầm lái không còn giật mình thon thót khi đi qua những đoạn đường “offroad” như vậy. Khách du lịch sẽ đến đây nhiều hơn để ít nhất trong đời được một lần chìm đắm vào miền cổ tích đầy sương giăng trắng xóa hay ruộng lúa chín vàng mùa nước đổ. Không biết Y Tý có giống Sa Pa hay không, dần dà mất đi hết cái hoang sơ , dại khờ của mình để nhường chỗ cho dịch vụ du lịch. Chốn thiên đường giữa dương gian ấy chẳng bao giờ nói hết mọi điều bí mật với con người cả.

                                                                   Thùy Linh.

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Thác Mây cơn gió mới trong lòng những người thích du lịch phượt - Thùy Linh


Trong vô vàn những lần tôi không hẹn mà gặp thì thác Mây là một trong những lần thú vị và đáng nhớ nhất.

ờng thường ngày. Tháng Bảy Hà Nội trong tôi chật chội như không còn chỗ cho một kẻ thích xê dịch nương thân. Tôi quyết định trốn Hà Nội. Như mọi lần, tôi vẫn chọn du lịch bụi.
Trong  những cái tên thác nước đẹp nhất miền Bắc Việt Nam vừa search trên google, tôi phải dừng con chuột  ở dòng chữ thác 9 bậc tình yêu( Thác Mây). Cái tên gợi tôi nhớ đến cây cầu Pont des Arts nổi tiếng tại Pháp bị gãy sập không lâu do sức mạnh của niềm tin tình yêu đôi lứa- những chiếc khóa mất chìa. Dẫu sao Thác Mây cũng cách Hà Nội không bao xa. So với đường lên mạn Y Tý, Hà Giang, Yên Bái….thì 9km đường xấu vẫn là một lựa chọn hợp lý cho hai ngày nghỉ dưỡng cuối tuần bên một thác nước đẹp mộng mơ.
Đoàn chúng tôi xuôi theo con đường mòn Hồ Chí Minh, đi qua địa phận Thanh Hóa giáp với Vườn quốc gia Cúc Phương để tìm đến chỗ rẽ vào thác. Thời tiết ở đường mòn này vô cùng thú vị. Trời rất hay mưa bất ngờ. Cứ quãng vài chục km sẽ lại có một cơn mưa rào ghé thăm. Nó diễn ra rất nhanh, chẳng ai kịp mặc áo mưa, và đi cũng vội vã không kém. Một vài thành viên trong đoàn vẻ mặt thẫn thờ vì không biết để mưa ướt hay thỉnh thoảng phải dừng xe lại mặc rồi cởi áo mưa. Tôi thích thú với suy nghĩ của riêng mình, rằng không chỉ thời tiết Hà Nội mới thất thường, hóa ra ở trên dài đất hình chữ S này, trốn đi đâu con người cũng bị thiên nhiên “ đánh úp”.
Thác Mây thuộc xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Sau khi xuôi theo đường Hồ Chí Minh khoảng 130km, cả đoàn chúng tôi phải rẽ vào con đường mòn duy nhất dài 9km nữa để vào đến thác. Gặp ngày mưa to nên đường rất trơn và nhầy nhụa bùn. Có những đoạn chúng tôi phải khiêng xe qua. Những anh xế tay lái yếu không quen đường phải nhờ đến cả sự trợ giúp của người dân. Tiếng nước hiền hòa, rì rầm những khúc ca anh hùng của dòng sông Ngang bên đường, đã từng đi vào nhiều sự tích của bà con dân tộc. Dòng sông Bưởi từ vùng thượng nguồn khi đổ về xuôi đã chảy qua Thạch Lâm (là một trong những xã cuối huyện Thạch Thành, giáp với huyện Nho Quan, Ninh Bình) bắt gặp sông Ngang  chảy phía thôn Thượng, nơi có Thác Mây ngự trị.
Chúng tôi, dù đã thấm mệt với việc đi bộ và dầm mưa cũng phải dừng lại “ nháy” một vào bức ảnh bên vẻ đẹp hoang sơ trữ tình này. Cứ quãng một hai cây số lại thấp thoáng hai bên những ngôi nhà sàn bằng gỗ của bản làng người Mường. Cảnh vật giống y như những lũy tre làng xanh rì miền xuôi.
Sau gần 2 tiếng, cả đoàn nghỉ lại một nhà sàn ngay dưới chân con thác. Vừa tới nơi, thứ âm thanh ầm ầm tuôn chảy đã đập ngay vào thính giác con người.
Thác Mây được đổ xuống từ đỉnh núi Thạch Lâm, ở độ cao khoảng 100m, với 9 chín bậc thác gối lên nhau tạo thành những con nước mềm mại như đường lượn sóng của một dải lụa trắng. Truyền thuyết kể lại rằng, xưa kia có 9 nàng tiên đã giáng trần và tắm tại thác này. Khi các nàng tiên đang tắm thì có “lệnh trời” gọi về, 9 nàng tiên bay lên trời để lại dấu chân là chín bậc thác, bốn mùa vẫn róc rách, rì rầm tiếng thác đổ. Mỗi bậc thác tượng trưng cho một nàng tiên, chín bước chân, chín bậc tình yêu…Từ bao đời nay, người dân ở đây vẫn truyền tai nhau rằng, những đôi lứa đang yêu nhau cùng nhau lên tắm thác “Chín bậc tình yêu”, thì tình yêu sẽ ngày càng mặn nồng và nên vợ thành chồng.                                                                                     
Ngoài chín bậc thác chính, còn có bậc thác cha, thác mẹ và thác con. Hai bên là những cây cổ thụ to luôn tỏa bóng mát xuống dòng thác. Tiếng nước chảy róc rách, nhẹ nhàng như tiếng ru của rừng xanh vỗ về cuộc sống bình yên của con người, nuôi dưỡng cho những ruộng lúa, cây ngô. Nguồn nước dường như vô tận ngày đêm reo hát, hòa với âm hưởng núi rừng kỳ bí sẽ là điểm đến cho những ai muốn khám phá, muốn trải nghiệm.
Thời điểm đến thác Mây thích hợp nhất là vào mùa hè. Khi ấy dòng thác hiền hòa mộc mạc lại nồng nàn như người con gái Mường nơi đây. Có nơi thác đổ rào rào có nơi lại khẽ khàng róc rách, có nơi thác nước mềm mạ,i nơi lại có thác nước cao vút trút nước cuồn cuộn bọt trắng xóa. Xen lẫn những thác nước lớn nhỏ là những khu rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ đường kính 2 3 người ôm. Thêm vào đó, con đường đến thác quanh co uốn lượn rất thơ mộng.
Chúng tôi ăn tối ngay tại nhà sàn. Đặc sản ở đây là ốc đá, thịt cuốn lá nốt, lá bưởi nướng, gà đồi, lúa thơm đầu vụ. Những cơn mưa tầm tã ghé qua khi đã nửa đêm. Nằm ngay bên cửa sổ căn nhà, lắng nghe tiếng mưa rơi, nước chảy, cảm nhận làn nước li ti phả nhẹ vào không gian để sáng hôm sau thức giấc đã thấy bên ngoài nắng chan hòa, núi cao và cỏ cây xanh rì đậm chất thiên nhiên. Đó là những trải nghiệm mà tôi không bao giờ có được ở Hà Nội ồn ã. Chỉ tìm về với thiên nhiên hoang sơ như vậy tôi mới thấy tâm hồn mình được gột rửa khỏi khói bụi, bọn chen, vồ vập.
Sáng hôm sau, cả đoàn men theo đường mòn để lên tới nơi bắt đầu của thác nước. Đi đủ 9 bậc tình yêu để thử vận may của mình. Nếu Hà Nội có cầu Long Biên quanh năm hai bên đầy khóa tình yêu thì ở Thạch Lâm có Thác 9 bậc tình yêu, đôi lứa yêu nhau dắt tay đi hết 9 bậc thì ông trời sẽ xe duyên vợ chồng cho họ.
Chúng tôi rời Thạch Lâm khi đã xế chiều. Khung cảnh thi vị khi một bên đường là đồi cao cây cối um tùm, một bên là dòng sông xanh mượt, bãi cỏ sàn sàn xuống tận mặt nước. Trở về thủ đô trong tâm trạng tiếc nuối, tôi mong có cơ hội trở lại đây thêm một lần. Lúc đó tôi sẽ đi cũng người mình thương….
Tạm biệt thác Mây tạm biệt những cơn mưa mùa hè….