Trang chủ

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

CÓ MỘT PHỐ VỪA ĐI QUA PHỐ

Có bao người vừa đi qua phố
Có một phố vừa đi qua phố
Có chút lòng khẽ chạm... làn rêu.
Phố, kẹo lạc kẹo vừng
Con dế thơ ngây gáy vào cơn ngủ
Nắng câu Kiều thơm gió những vòm đêm...
Phiên chợ đầu hôm
Sông Hồng cong mình trên bờ vai thành phố
Người quang gánh gánh làng về phố
Mùa nước đỏ mắt người cũng đỏ
Mỗi mảnh trăng phôi trên mỗi mảnh đời...
Cửa ô
Im lìm
Đoàn quân chuyển mình lên biên giới
Những giọt máu hai mươi hợp dòng xa phố
Ngọn đèn - Tim cháy thâu sương...
Có người cha tiễn con, mắng vợ mình mau nước mắt
Nhưng đêm ấy là đêm mờ mưa, sao tắt
Gò má người cha mọng thắp
Ánh sao...
Vỉa hè
Lang thang
Đứa trẻ không nhà trèo sấu trèo me đi bán
Sau cơn mưa gẫy rắc cành me...
Người đàn ông nước mắt không rơi suốt thời chinh chiến
Bỗng mặn mòi se giọt... giữa vành môi!
...
Ta bên nhau trên phố của bao người
Bao ân tình vừa đi qua phố
Có một phố vừa đi qua phố!
Có một người lắng phố, bên em.
Em hồn nhiên cho phố hồn nhiên
Tóc phả mái bên chiều phai phai nắng ngói...
Thân thương quá! lòng sao chợt hỏi
Phố của mình có nối... phố trong em?!
ĐINH VŨ HOÀNG NGUYÊN

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

Em đã làm gì với thành phố của anh

Em đã làm gì với thành phố của anh
Để những con phố xô nghiêng nỗi nhớ
Để bóng dáng yêu xôn xao từng ngõ nhỏ
Để những cây cầu đợi mãi nỗi chênh vênh
Em đã làm gì với thành phố của anh
Để những bóng cây cũng giống em đến thế
Để góc quán xưa cũng làm ra còn trẻ
Để những cột đèn đường cũng như thể đợi em



Em đã làm gì với thành phố của anh
Để mọi con đường đều rẽ vào ký ức
Để giấc mơ em bỗng thành ra rất thực
Để những mặt hồ hóa thăm thẳm mắt em
Em đã làm gì với thành phố của anh
Với nơi anh trở về khi lòng xao xác nhất
Ngỡ rồi cũng sẽ qua ai ngờ không thể mất
Vết dấu của một người trong thành phố của anh.






Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Đừng hỏi tại sao ta yêu người


" Đừng hỏi tại sao ta yêu người, ta yêu người chỉ đơn giản là thế nhưng chẳng bao giờ ta nói với người trong khung chat nhỏ xinh của thế giới ảo. Ta yêu người trong từng giây phút ta và người cùng online, trong từng nhịp đập rộn rã của con tim chảy dài . Có lẽ người chẳng biết ta yêu người đến nhường nào đâu nhỉ? Ta cứ yêu, thế thôi! Ta yêu mà chẳng cần đến một lí do để biện minh. Người đâu biết ta đã nằm dài thật lâu trong niềm tưởng tượng của mình. Ta không biết liệu người có yêu ta hay chỉ đơn giản là thích ta không? Nhưng tóm lại là ta yêu người chẳng cần một câu hỏi tại sao, ta cũng không biết nữa, con tim bảo ta thế. Vậy thôi. 
Where's my love...Give me a clue....Give me a time...Show me a place..........I might find you."

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Phụ nữ hạnh phúc là phụ nữ biết nghĩ khác đi---từng ngày---từng ngày một.

Tôi lại đọc đến những vụ đánh ghen kinh hoàng được quay lại thành clip hẳn hoi. Người đàn bà đi đánh ghen là người đàn bà ngu ngốc nhất. Đáng lẽ phải ngồi xuống với nhau để kể ra cái tội của mình: cùng lầm lỡ yêu một người đàn ông không đúng thời điểm. Thay vì khóc lóc, lên án đối thủ, rồi quay sang trách móc đàn ông thì hãy cứ kệ sự đời. Đã không dành tình yêu cho nhau, cho gia đình thì mọi lời nói và hành động đều vô nghĩa. Mọi việc phải tuân theo tự nhiên mới là hạnh phúc.

Tôi luôn có một vài hợp đồng cần viết về những cô gái trẻ đôi mươi; với những suy tư, những băn khoăn khi mới chân ướt chân ráo vào đời và mang theo đầy rẫy những thứ mơ mộng, huyễn hoặc về bản thân.
Bao giờ cũng vậy, tôi viết chúng vào buổi sáng đầu tiên trong tuần.  Phần vì không khí của nó sẽ kéo tôi lại nhịp sống của 6 ngày công việc bộn bề với đám học sinh cứng đầu, phần vì tôi sẽ có nhiều thời gian sống cho thực tại của mình hơn, sau chuyến đi dài hàng tuần.

Sáng thứ hai trong lành, mưa dội lên con đường về nhà những chiếc lá xót lại của mùa đông. Mọi chuyện đều phải tuân theo tự nhiên mới là hạnh phúc. Vạn vật đều có số phận của nó. Mới vài tháng trước chúng còn là dấu hiệu của sự sống, của mùa về mà nay đã chẳng là gì cả, chỉ là những thứ gây bực dọc cho bà quét rác phía bên kia đường. Tôi ngập ngừng dừng lại cạnh một lối rẽ nhỏ, bên kia con phố, đôi tình nhân đang mải mê trò chuyện và chăm chút cho thứ tình yêu mới leng keng của mình.
Tôi bắt đầu mở laptop ở quán café quen thuộc, không khí ngột ngạt ở đây không hiểu sao đã rất nhiều lần đem lại nguồn cảm hứng vô tận cho các sáng tác của tôi. Hôm nay vẫn vậy. Tôi bắt đầu tìm đề tài của mình bằng những từ khóa “ thế nào là một cô gái hạnh phúc, phụ nữ đã kết hôn, tuổi trẻ, tình yêu của một người…..” hàng dãy những câu chuyện hiển hiện lên màn hình máy tính. Tôi đọc chúng say sưa khi nhấm nháp vị ca cao quen thuộc. Tôi đọc tất cả bằng bản năng của một người phụ nữ chứ không còn là việc phải viết ra một câu chuyện nào đó để kiếm tiền.
Tôi nhận ra đàn ông cần ở một người phụ nữ rất nhiều kĩ năng, và bản năng. Họ cần một người đủ dịu dàng, chu đáo, tần tảo để chăm sóc họ, nấu những bữa ăn ngon, lo lắng cho họ mỗi khi gió lùa về, họ cần một người phụ nữ như thế để thay thế cho vị trí người mẹ. Họ cần một cô gái dịu dàng vừa đủ, cá tính vừa đủ, thông minh vừa đủ và có thể giả vờ ngu ngốc nhưng cô ta nhất định phải có một sự nghiệp vững chắc, có một ước mơ đủ lớn để theo đuổi. Cô gái này thú vị vừa đủ để thu hút những gã đàn ông mới lớn.
Chỉ như vậy thôi, trong mắt phụ nữ, một người vừa để yêu vừa để làm mẹ đã hoàn hảo rồi; ô không, đàn ông không nghĩ vậy. Họ còn cần một người phụ nữ làm tri kỷ, thấu hiểu họ cho những nỗi lòng, những khó khăn trong công việc và đủ bao dung để tha thứ cho những lần lầm đường về nhà trong đêm.
Đàn ông giờ đây đã trở thành một sinh vật đáng yêu nhất Trái Đất với tính cách điển hình biết đòi hỏi. Với họ, cơm áo gạo tiền là cuộc sống, họ không muốn san sẻ thêm về cái quy trình vận hành trơn tru của các sinh hoạt gia đình, của việc con trai hôm nay chỉ được điểm B hay con gái muốn đi sinh nhật bạn vào cuối tuần nữa. Với họ, tiền và gái đẹp là những giấc mơ cần dành cả cuộc đời để theo đuổi. Họ luôn bận và không đủ thời gian.
Vậy mà, tôi chỉ thấy trong tất cả, phụ nữ chỉ cần duy nhất ở người đàn ông một thứ: TÌNH YÊU. Chỉ vì 2 từ đơn giản, đẹp đẽ ấy mà không biết bao nhiêu người phụ nữ của tôi dành cả tuổi trẻ, cả những ước mơ và niềm đam mê để dốc lòng yêu thương như thể nếu không có anh ấy, tôi sẽ chẳng là ai, tôi sẽ chẳng là gì nữa. Rồi biết bao nhiêu đêm chồng đi công tác, con ốm, suy nhược cơ thể vẫn cứ liều mạng nghĩ rằng rất cả là tình yêu.
Tôi nhớ đã từng có một bài báo viết rằng: “ Trong tất cả những từ ngữ hoa mỹ dành cho phụ nữ, tôi sợ nhất hai từ hi sinh. Không biết đằng sau đó, có bao nhiều người phụ nữ hạnh phúc?”
Phụ nữ bao nhiêu đời nay ở cái xứ này cũng vậy, cứ THƯƠNG mãi không thôi, cứ ôm trọn mọi đau thương của số phận mình vào lòng, rồi cưu mang người đàn ông từng đầu ấp tay kề. Mà đâu hay, họ nằm cạnh mình đấy mà ngước nhìn trần nhà, mắt mở trân trân nghĩ về làn da trắng trẻo, đôi chân dài thướt tha ở chốn vô thần vô thức nào?
Phụ nữ đã bao giờ nghĩ cần phải thương mình và thương nhau chưa.
Tôi lại đọc đến những vụ đánh ghen kinh hoàng được quay lại thành clip hẳn hoi. Người đàn bà đi đánh ghen là người đàn bà ngu ngốc nhất. Đáng lẽ phải ngồi xuống với nhau để kể ra cái tội của mình: cùng lầm lỡ yêu một người đàn ông không đúng thời điểm. Thay vì khóc lóc, lên án đối thủ, rồi quay sang trách móc đàn ông thì hãy cứ kệ sự đời. Đã không dành tình yêu cho nhau, cho gia đình thì mọi lời nói và hành động đều vô nghĩa. Mọi việc phải tuân theo tự nhiên mới là hạnh phúc.
Tôi đã nghĩ mình sẽ viết về những người phụ nữ thật nhiều, vì tôi, chẳng có gì ngoài bản thân là một người phụ nữ. Tôi chỉ muốn nói với họ rằng: “ Phụ nữ có quyền sống khác”. Đừng tự trói mình vào những định kiến mục rỗng của xã hội. Hãy cứ kệ mọi chuyện và cho người đàn ông của mình cơ hội để trân trọng mình nhiều hơn. Trời mưa, đừng tự mua áo mưa rồi phóng như bay về kịp giờ đi chợ nữa, hãy gọi cho cái người nghĩ mình che được cả bầu trời mà chưa từng xuống bếp nấu ăn đó đến và đưa về nhà. Cuối tuần, nếu thích hãy cứ lên đường, đi xa khỏi chốn thành thị bụi bặm nhiều mà tình người ít. Đi xa, thật xa để lại được sống những ngày tuổi trẻ đã bị vùi cả vào người đàn ông đang ở nhà ngồi trông con và đợi.
Khi tôi bênh vực người phụ nữ trong mình, tôi không có thói quen lên án đàn ông. Chẳng ai là người tốt mãi mãi ở trên đời. Tôi chỉ nghĩ một điều, nếu phụ nữ muốn sống khác thì đầu tiên hãy nghĩ khác. Hãy cứ sống như thời còn xuân sắc và yêu thương đơn giản như một đứa trẻ. Đừng cố nấu những món ăn ngon, thật ngon mà bỏ dở cả lớp học yoga. Đừng cố tiết kiệm tiền mua váy hàng hiệu chỉ để chồng mình có thêm một chiếc áo chỉnh chu bên cạnh cả núi những thứ chỉnh chu trong tủ. Một bữa ăn ở ngoài giảm áp lực và vui vẻ biết bao nhiêu, một bộ quần áo thiết kế tôn lên dáng người thon thả cũng đủ để tự nhận ra mình vẫn còn trẻ như ngày nào.
Còn về những cô gái mới lớn, hóa ra, tuổi trẻ của một cô gái vẫn chỉ là dốc hết lòng để yêu một người rồi nhận lại toàn những vết thương chằng chịt. Nhưng cái nào đau khổ nhiều hơn? Bạn hỏi tôi về điều gì. Về việc yêu một người rồi chịu tổn thương hay không bao giờ có cơ hội được hiểu tình yêu và trách nhiệm là gì?. Tôi thì thấy việc một sớm mai thức dậy, nếu ở lồng ngực trái không còn biết đập những nhịp yêu thương thì đó chính là tận thế.
Hãy cứ yêu thương người đàn ông của mình thật nhiều,đừng quá lo lắng, chỉ cần hiện tại cảm thấy đủ niềm tin thì cứ yêu đi….Nhớ giữ lại một it cho mình và đừng mù quáng là được.
Thùy Linh

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

A Simple Life (Dì Đào): Đưa con người về với giá trị gốc

Thùy Linh

Một cái tít không ấn tượng, một bộ phim cũng không mấy ấn tượng – chí ít là theo cách cả cũ lẫn mới của điện ảnh Hong Kong – nhưng lại đoạt giải Kim Tượng. Với bộ phim này, không chỉ Lưu Đức Hoa mà cả điện ảnh Hong Kong đều lột xác.


Điện ảnh Hong Kong trong hàng thập niên trở lại đây luôn loanh quanh nhưng đầy thành công trong cái bế tắc về đề tài phim Xã Hội Đen hoặc phim Kiếm Hiệp. Hong Kong được trao trả lại Trung Quốc kéo theo việc ngay cả những phim về đề tài Xã Hội Đen cũng phải chạy theo định hướng của chính quyền mới. Kết cục của việc này là chỉ còn những bộ phim về hình cảnh. Những đề tài về Chủ nghĩa Anh hùng Cá nhân dường như bắt đầu trở nên vắng bóng. Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận một nguyên nhân khiến cho điện ảnh Hong Kong có xu hướng thoái trào là sự lão hoá của những ngôi sao như Trương Học Hữu, Quách Phú Thành, Lưu Đức Hoa v.v.. Những bộ phim sản xuất không còn được nhiều như trước, lúc này chất lượng phải bù số lượng. Người xem cũng chuyển sang những lựa chọn mới.

Cách đây một vài năm khi xem Kiến Long Tá Giáp (Xem Rồng Cởi Giáp) của Lưu Đức Hoa, hẳn không ít người cuối cùng đã ngậm ngùi chấp nhận rằng Lưu Đức Hoa và điện ảnh Hong Kong giống như nhân vật trong phim cuối cùng đã già. Tìm được một đề tài mới, một xu hướng làm phim mới là không dễ - đặc biệt khi xu hướng này bị bó buộc bởi sự kiểm duyệt. Tuy nhiên, Dì Đào hay A Simple Life đã làm cho người xem thấy được tài năng của một người đàn ông “đa diện” Lưu Đức Hoa – người từng thành công với Đinh Lực nhân, nghĩa, lễ, trí, tín trong Bến Thượng Hải, với Triệu Tử Long trung quân, ái quốc trong Kiến Long Tá Giáp, với ông trùm trong Môn đồ, với Lưu Kiến Minh nham hiểm trong Vô Gián Đạo.  

Simple Life trái ngược hoàn toàn với những gì vẫn được xem là công thức chung cho sự thành công của một bộ phim của Hong Kong: không cháy nổ, không khói lửa, không lừa lọc, không nằm vùng, không hài hước. Bộ phim cũng không nhiều diễn viên. Nói theo một cách nào đó thì Simple Life là một bộ phim 08 giờ sáng quay, 06 giờ chiều đóng máy. Phim cũng chỉ có 02 nhân vật chính, và chỉ xoay quanh có 02 nhân vật chính. Những cảnh quay thì cũng chỉ loanh quanh trong một vài căn chung cư, bệnh viện và khu dưỡng lão. Thậm chí ngay cả khu dưỡng lão cũng ở trong khu chung cư. Tóm lại, nếu không có cảnh bệnh viện, bộ phim có thể hoàn toàn thực hiện trong một khu chung cư.


Có thể nói, nội dung phim khá đơn giản. Một anh thiếu gia độc thân không chịu lấy vợ của một gia đình đã qua cái thời hoàng kim khi mà người ăn kẻ ở đầy nhà sống chung với một người giúp việc lâu năm. Anh đi làm, người giúp việc nấu ăn. Hai người theo một cách nào đó nương tựa vào nhau để sống giữa cái Hong Kong của Lan Quế Phường. Rồi người giúp việc – chị/gì Đào (tên gốc là Đào Thư) – trúng gió, yếu dần và phải đi viện dưỡng lão. Anh thiếu gia – tên trong phim là Roger – chăm sóc, vậy là hết chuyện. Sẽ chẳng có gì để nói, chẳng thể thành phim. Nhưng cái thành công lại nằm chính ở chuyện vô lý, đơn giản và nhàm chán đó.

Một bộ phim với đề tài như vậy thành một bộ phim đoạt giải Kim Tượng đương nhiên phải có sức hút. Sức hút đầu tiên và trên tất cả ở đây là diễn xuất của Lưu Đức Hoa chứ không phải chỉ cái tên của anh. Ai đã từng xem Lưu Đức Hoa diễn trong Môn Đồ, trong Kiến Long Tá Giáp, hay trong Vô Gián Đạo sẽ đều hiểu rằng rất rất hiếm khi có một cử chỉ thừa trên khuôn mặt của anh. Diễn xuất của Diệp Đức Nhàn cũng không hề thua kém khi vào vai xuất sắc một người giúp việc làm việc cho một gia đình 60 năm. Những diễn xuất của bà khiến chúng ta nhớ tới Mẹ.

Dù không theo các công thức chung như cháy nổ, ma quái, nằm vùng nhưng A Simple Life lại giống với các bộ phim thành công của Hong Kong ở điểm đặc biệt chú ý tới chi tiết. Nếu chỉ xem phim và không chú ý tới lời thoại, tôi tin rằng người xem sẽ đánh mất 70% giá trị. Đó là những đoạn thoại của một thiếu gia và một người ở. Nhưng những đoạn thoại đó dần dần chuyển thành một người con trai với một người mẹ. Từ những scene đầu, người xem sẽ thấy Roger trong vai một kẻ ích kỷ. Đoạn thoại của 02 người giống như của 02 kẻ chẳng liên quan. Roger cứ làm việc của Roger, ăn nói chỏng lỏn. Dì Đào cũng làm việc của Dì Đào và cũng nói chuyện theo kiểu chẳng cần quan tâm. Khi đổ bệnh, Dì Đào cũng chỉ nói: “Muốn vào nhà dưỡng lão.” Roger hỏi lại: “Nhưng chi phí rất mắc.” Dì Đào trả lời: “Tôi tự có tiền.”

Nhưng dần dần, Roger lại trở thành một đứa con ngoan. Anh chăm sóc và làm tận tuỵ công việc của một đứa con trai với người Mẹ của mình. Những biến chuyển của lời thoại, của thái độ của Roger ngày càng ân cần nhưng Dì Đào ngày một già đi. Nếu xem phim, người ta dễ dàng hình dung ra cảnh trong tác phẩm Chiếc Lá Cuối Cùng. Tính chi tiết của bộ phim còn được thể hiện bằng những scene khá đời thường nhưng thật tinh tế. Dì Đào đi tuyển người giúp việc khác thay mình chăm sóc Roger nhưng đòi hỏi họ phải biết làm cá, và phải làm cá biển, phải biết nấu canh cho Roger uống mỗi khi đi làm về. Những người được Dì Đào phỏng vấn phải thốt lên: “Bà nghĩ bà đang tuyển con dâu chắc?” Hay đó là những scene Roger chơi đùa với lũ bạn, ăn một món cũ do Dì Đào chuẩn bị trước khi vào nhà dưỡng lão và chợt nhớ tới bà. Hôm sau anh tới và đưa Dì đi thăm cảnh vật bên ngoài.

Nói chung, Dì Đào là một phim khá khó xem nhưng sẽ là dễ xem với những người thích những gì sâu sắc. Nếu bạn từng thích Elizabeth Town hoặc những phim tương tự, bạn sẽ thích Dì Đào.


Brave( Công chúa tóc xù)- phim hay về tình mẹ con



                                                                             Thùy Linh
“ Định mệnh thay đổi. Nhìn vào trong, nối sợi dây bị đứt bởi lòng tự trọng.” chính là lời gợi mở của mụ phù thủy để giúp cô công chúa Merida hóa giải lời nguyền và hàn gắn những tình cảm đã mất với người mẹ Elinor.


Bộ phim  là câu chuyện về lòng dũng cảm của Merida trong hành trình thay đổi số phận của mình. Từ khi còn rất bé, Merida đã làm quen với việc bắn cung, cưỡi ngựa. Cuộc sống êm đềm cứ thế trôi qua, cho đến một ngày, vị Hoàng Hậu Elinor muốn kén phò mã cho công chúa. Mọi chuyện trở nên rắc rối khi Merida làm cha mẹ mình khó xử trong ngày kén chọn. Vào lúc đó, cuộc cãi vã giữa cô và Hoàng Hậu nảy ra, khiến Merida chém đứt tấm thảm thêu hình gia đình, rồi bỏ vào rừng. Được ma tơi dẫn đường đến nhà mụ phù thủy, Merida trao đổi để lấy một câu thần chú làm thay đổi Hoàng Hậu Elinor. Câu thần chú vô tình biến Hoàng Hậu xinh đẹp thành gấu,mà loài gấu là kẻ thù của đức vua Fergus, vì ông từng bị con gấu Mor’du tấn công làm hỏng một chân. Để bảo vệ mẹ mình, cô đã đưa mẹ vào rừng, tìm bà phù thủy và hóa giải bùa chú. Nhưng bà ta đi vắng và để lại lời nhắn: “ Nối lại sợi dây bị đứt bởi lòng tự trọng.” Nếu Merida không tìm ra đáp án trước bình minh lần thứ hai, mẹ cô sẽ mãi mãi là một con gấu.



Chỉ xoay quanh tình tiết về những sai lầm giữa hai mẹ con, những mâu thuẫn đẩy lên tột độ, và cách giải quyết khéo léo của Merida, bộ phim đã xây dựng thành công một câu chuyện và một bài học, về tình mẫu tử cao đẹp.

Cô và mẹ cũng sa vào nhiều mâu thuẫn muôn thuở giữa mẹ và con gái, không tài nào giải quyết một cách ngắn gọn được. Trên con đường thay đổi định mệnh ấy, sai lầm nghiêm trọng nhất mà cô mắc phải là có thể mất đi người mẹ yêu quý vĩnh viễn. Ta có thể tin rằng, sự dũng cảm Merida có được khi tìm cách cứu thoát mẹ mình: là lòng yêu thương bà tha thiết. Sai lầm của Merida, ngoài mang đến những phiền phức không đáng có, còn là một cơ hội, cho cả hai người có thời gian hiểu nhau và hòa giải những mâu thuẫn.
Khi ở trong rừng, Merida và mẹ gấu đã có những phút giây thật ấm áp. Cô và mẹ gấu cùng bắt cá dưới sông. Merida đã dạy mẹ mình cách để sinh tồn trong rừng hoang, khi bà hái cà độc và nước suối làm bữa sáng.

Cho đến khi quay lại lâu đài để khâu tấm thảm bị chia cắt, để hóa giải bùa chú, thì sức mạnh vô hình của loại bùa chú khác mang tên :tình mẫu tử đã phát huy tác dụng. Hình ảnh gấu mẹ ra hiệu cho Merida khi phát biểu trước toàn thể liên minh của vương quốc, đã cho người xem thấy, rõ ràng, Merida và mẹ đã thực sự đồng cảm với nhau, mọi hiểu lầm và tức giận đã được hóa bỏ. Mẹ gấu- Hoàng Hậu Elinor tôn trọng quyết định của con gái và đồng ý cho cô làm những việc mình mong muốn.
“ Liệu những người trẻ như chúng tôi có quyền được chọn lựa người mình yêu?”
Thông điệp đẹp về tình yêu cũng phần nào được gửi gắm qua câu nói ấy của công chúa.
Người xem, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi, sẽ không khỏi xúc động khi chứng kiến toàn bộ hành trình đầy thú vị này.
Thông qua cuộc hành trình, cô đã nhận ra, Hoàng Hậu Elinor là người luôn ở bên cạnh, che chở cho cô, chỉ có cô là chưa từng để ý gì đến điều đó. Vào lúc Merida ôm mẹ khóc và tưởng rằng sai lầm của mình sẽ lấy mất đi người mẹ vĩnh viễn, cô đã khóc những giọt nước mắt ân hận, đồng thời cũng là những giọt nước mắt chan chứa tình yêu thương. Với mô tip quen thuộc giống một câu chuyện cổ tích, cuối cùng Hoàng Hậu Elinor đã trở lại làm người. Và họ sống bên nhau hạnh phúc.


So với những bộ phim hoạt hình về nhiều nàng công chúa trước đây, thì Brave là hình ảnh một nàng công chúa hoàn toàn khác biệt. Công chúa không yếu đuối, không nhẹ nhàng, mà gan lì, bản lĩnh và tính cách vô cùng phóng khoáng. Cách xây dựng nhân vật này là một điểm khá thú vị của phim, và giúp khán giả nhỏ tuổi cảm thấy hứng thú với nội dung phim hơn. 
Giống như những bộ phim hoạt hình khác của Pixar, sau mỗi thước phim luôn là những bài học nhẹ nhàng, ý nhị về cuộc sống, về con người.
Từ câu chuyện về cô công chúa tự tin, mạnh mẽ và yêu thích cuộc sống hoang dã, bộ phim gởi gắm những thông điệp về khát khao tự do, về lòng can đảm quyết tâm thay đổi vận mệnh của con người. Vận mệnh thực sự, là do chính mỗi bản thân chúng ta tạo ra và chịu trách nhiệm về nó, không nên chịu sự chi phối của bất kì một lề lối nào. Bộ phim còn ca ngợi tình cảm gia đình cao quý, đặc biệt là tình mẫu tử thiêng liêng, nhắc chúng ta trân trọng những người đã luôn yêu thương và bảo vệ mình. Gia đình, sẽ là điểm tựa vững vàng nhất giúp chúng ta vượt qua tất cả những khó khăn trong cuộc đời này.
Bộ phim xứng đáng để bất kỳ bà mẹ nào và con gái của mình cùng nhau ngồi xem và hóa giải những mâu thuẫn.
Thông tin bộ phim:
“ Brave”
Tên Tiếng Việt: Công chúa tóc xù
Thể loại: hài hước, phim hoạt hình
Quốc gia: Mỹ
Nhà sản xuất: Pixar
Năm sản xuất: 2012
Thời lượng: 90 phút


“KHU VƯỜN BÍ MẬT- BỐN ĐIỀU BÍ MẬT ẨN CHỨA TRONG MỘT TÁC PHẨM”



                                                                                                                        THÙY LINH

Khu vườn bí mật (The secret garden)  là một tác phẩm kinh điển dành cho thiếu nhi của nền văn học Anh, xuất bản cách đây hơn một thế kỷ. “Một pha trộn của sức mạnh, vẻ đẹp, mối quan tâm sinh động và lòng tốt chân thành. Cuốn sách này chính là một điều thần kỳ.” 
Cuốn sách giống như câu trả lời về mọi điều đã quên lãng của người lớn, khi bỗng nhớ đến sự bí ẩn trong tuổi thơ của mình; nó chính là một khu vườn tươi mát, sẽ đâm chồi nảy lộc trong tâm hồn non nớt của những đứa trẻ. Gập trang sách lại bỗng thấy tâm hồn mình cũng đầy rẫy những dây thường xuân che khuất.
Tôi vô tình nhìn thấy một cuốn sách với cái bìa màu vàng cổ điển, phác họa một cánh cửa với vài cành cây chẳng lấy làm nổi bật; nhưng nó mang cái tên ấn tượng “ Khu vườn bí mật”. Tôi tò mò và mở vài trang đầu. Như một phép màu, tôi ngồi hẳn xuống ghế và đọc cho hết bốn chương mới đứng lên thanh toán tiền. Có một sức mạnh vô hình nào đó của con chữ khiến ta cứ muốn lật mở từng chương. Và khi gập lại, thế giới tuổi thơ ta từng trải qua, hiện ra trước khung cửa sổ trong phòng ngủ, với ánh nắng và những đám mây xốp hồng bầu trời mùa xuân; ta ám ảnh và chập chờn mơ tưởng. Hóa ra trong tâm hồn mỗi người, ai cũng có một khu vườn bí mật như thế.

Lời mở đầu cuốn sách gợi nhắc tôi đến “ Hoàng tử bé”- cái tên quen thuộc với trẻ em toàn thế giới. " Những người lớn, chẳng bao giờ tự họ hiểu được cái gì cả, và thật là mệt cho trẻ con lúc nào cũng phải giải thích cho họ. " (trích Hoàng tử bé, 1931). Trong thế giới của trẻ con, có lẽ người lớn thật sự phức tạp.
Truyện bắt đầu bằng nhân vật chính là cô bé với cái tên dễ thương Mary, nhưng tính cách lại vô cùng cục cằn, thô lỗ và xấu xí. Lớn lên trong sự giàu có, nhưng Mary chưa bao giờ có tình yêu thương của cha mẹ.
Cho đến khi dịch tả bùng phát, cô trở thành trẻ mồ côi được gửi đến sống trong  lâu đài ở vùng Yorkshire nước Anh lạnh lẽo, nơi ở của ông bác Craven. Tại cánh đồng tưởng chừng hoang vắng này, cuộc sống của Mary đã thay đổi hoàn toàn.
Một trong  những lần đi dạo quanh vườn, cô bé gặp một con chim có cái ức đỏ và vô tình khám phá ra khu vườn bị khóa trái suốt 10 năm qua. Cùng với Dixon, cậu bé dễ mến có đôi mắt xanh trong, thường nói chuyện với động vật bằng ngôn ngữ của chúng, cũng như am hiểu rất rộng về thiên nhiên, Mary đã hồi sinh lại nơi ấy bằng những giống hoa lưu ly, thạch thảo; bằng tình yêu của một đứa trẻ chưa bao giờ làm vườn. Chúng làm với niềm hăng say kì lạ dành cho những hạt mầm đang vùi sâu trong đất, với niềm hy vọng vào những dây hoa hồng héo quắt và cảm tưởng cả khu vườn sẽ thơm ngát hương hoa vào mùa xuân. Cũng bằng một lần tình cờ khác, Mary phát hiện ra cậu chủ Colin – con trai của bác Craven– người từ bé đã ốm yếu luôn gào khóc nghĩ mình sắp chết. Từ những câu chuyện kể của Mary về khu vườn, đến những lần cùng Mary và Dixon chơi đùa, chăm sóc khu vườn bí mật ấy, Colin chợt phát hiện ra “Phép màu” khiến cho mình có thể trở nên khỏe mạnh và tự đi lại được trên đôi chân của bản thân không cần nhờ đến người khác.
“Cậu có muốn cùng mình bước vào khu vườn bí mật ấy không? Cậu sẽ tin vào những Phép màu…mình hứa đấy!”
Tôi cho rằng, những điều làm nên sức hút của câu chuyện là Phép màu. Những đứa trẻ có niềm tin tuyệt đối vào chúng. Phép màu bằng cách nào đó đã để Martha làm người phục vụ Mary và mang Dickon đến với cô bé. Colin tin rằng Phép màu đã làm cho Dickon biết nói chuyện với các con vật và lắng nghe chúng trả lời. Phép màu đã làm Colin có thể đứng thẳng trên đôi chân,bước đi vững trãi như một người anh hùng. Cậu bé đã tin mình có thể sống mãi mãi. Phép màu đã đưa Colin đến với khu vườn- nơi mẹ cậu từng cẩn thận chăm bón- và rồi cậu hồi sinh một cách kỳ diệu. Phép màu đã làm ông Ben làm vườn cục cằn, xấu tính, hay cáu bẳn trở nên tuận lệnh và hiền hòa biết bao nhiêu.
Trong cuốn sách này, dường như có sự hiện thân của bốn khu vườn bí mật. Khu vườn thứ nhất là nơi bị bỏ hoang 10 năm, nhưng kỳ lạ, những củ hoa thủy tiên, dây hoa hồng vẫn chưa chết hẳn. Bí mật hé mở khi bác Ben làm vườn thấy bọn trẻ bên trong. Ông chính là người âm thầm trèo vào chăm sóc khu vườn cho đến khi bị thấp khớp hai năm qua.
Khu vườn bí mật thứ hai và thứ ba, chính là tâm hồn và cơ thể dồi dào của Mary và Colin. Cả hai đã từng là những đứa trẻ gầy gò, đen nhẻm hoặc trắng bệch, với tính cách vô cùng khó ưa. Nhờ có tình yêu thiên nhiên, hay chính vẻ đẹp bình dị của thiên nhiên đã gắn kết chúng với nhau, làm hồi sinh khu vườn cũng như hồi sinh chính tâm hồn của chúng. Đọc đến đây, tôi cảm giác như mình cũng muốn lao ra khỏi nhà, mua cuốc, mai và vài hạt hoa thạch thảo gieo vào đất. Tình yêu thiên nhiên và cái đẹp của tôi cũng thức tỉnh khi thấy sự ương ngạch và bất chấp của Mary với khu vườn này.
Còn một khu vườn quan trọng hơn nữa, nếu bạn đã đọc đến những chương cuối cùng, đó là tâm hồn khóa trái cửa,chịu nhiều đau đớn của ông bác Craven- bố cậu bé Colin. Với nỗi đau mất đi người vợ yêu quý, ông khóa trái khu vườn rồi đi du lịch khắp nơi. Ông chỉ đến thăm Colin mỗi khi cậu bé đã ngủ, vì sợ nhìn vào đôi mắt giống hệt mẹ của cậu. Nhưng khi đứng trước ba khu vườn đẹp đẽ kia, ông đã hoàn toàn bừng tỉnh. Sự hồi sinh của bốn khu vườn quả thực là một Phép màu.
" Dường như có rất nhiều người tốt để yêu quý - ngay cả khi ta không có thói quen yêu quý kẻ khác".
Giản dị,gần gũi, pha chút tò mò cùng giọng kể dịu dàng của Burnett, “ Khu vườn bí mật” đã mang đến một thông điệp còn nguyên vẹn giá trị hơn một thế kỷ đi qua “Hạnh phúc chẳng ở đâu xa, chính ở ngay trong bản thân mình, nơi mình, xung quanh mình và ngay dưới chân mình”.
Thông tin sách:
KHU VƯỜN BÍ MẬT
Tác giả: Frances Hodgson Burnett 
Dịch giả: Nguyễn Tuấn Khang
Nhà xuất bản: Nxb Văn học
Ngày xuất bản: 09/2010
Số trang: 372
Giá bìa: 54.000